TS.KTS Phan Đăng Sơn: “Nhà hát sẽ giúp không gian Hồ Tây sống động và cuốn hút hơn”
TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam |
PV: Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của một công trình nhà hát tầm cỡ với Thủ đô Hà Nội hiện nay?
TS.KTS Phan Đăng Sơn: Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn nhất cả nước, có bề dày về văn hóa cho sự phát triển văn hóa của quốc gia. Đối với thể loại, công trình để phục vụ văn hóa, thì thể loại nhà hát là một thể loại quan trọng, mang tính kết nối và phục vụ nhu cầu của cộng đồng rất cụ thể, rõ rệt và cần thiết.
Những công trình như thế ở Hà Nội hiện nay thường là công trình có quy mô nhỏ hoặc đã xây dựng từ lâu. Cho nên công nghệ để phục vụ cho các hoạt động văn hóa theo sự phát triển văn hóa của thế giới hiện nay thì không còn phù hợp nữa, không đáp ứng được nhu cầu của người dân khi đô thị phát triển.
Vì vậy, thành phố luôn đau đáu chuyện phải xây dựng thêm nhà hát phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Chúng tôi cho rằng đó là một nhu cầu chính đáng và thể hiện tinh thần rất sát với sự phát triển của kinh tế - xã hội và văn hóa của địa phương.
Chính vì vậy năm 2010, Hà Nội đã tổ chức một cuộc thi rất lớn về nhà hát. Lúc đó mời được hai kiến trúc sư hàng đầu thế giới cùng tham gia cuộc thi, và người được chọn cũng chính là người thiết kế mô hình nhà hát mới ở khu vực Hồ Tây - KTS Renzo Piano. Ông là một trong những kiến trúc sư thiết kế hàng đầu thế giới.
Mô hình nhà hát Opera Hà Nội thiết kế bởi KTS Renzo Piano |
Theo quan điểm của chúng tôi, ông ấy là người thiết kế các công trình văn hóa ở tầm châu lục, được đánh giá rất cao vì 2 yếu tố: Đưa ra mô hình hiện đại nhưng luôn gắn kết với bản sắc vùng miền. Bao giờ ông cũng nghiên cứu văn hoá vùng miền rất kỹ và thiết kế để phát huy bản sắc văn hoá mùng miền rất tốt.
Dự án nhà hát đó sau đó tạm thời dừng lại, chúng tôi cho rằng có thể do nguồn vốn hoặc do một số vấn đề khác.
Năm 2017, thành phố dự kiến tìm người xây dựng nhà hát Hoa Sen tại khu đô thị Nam Từ Liêm. Tuy nhiên giới chuyên môn đánh giá không cao nhà hát đó vì cho rằng nó mô phỏng một cách khiên cưỡng hình tượng hoa sen, không có sự biến ảo về nghệ thuật cho nên không mặn mà với điều này. Rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cũng cho rằng địa điểm đó không đắc địa, không phù hợp.
Đến năm 2018 thì có kế hoạch xây dựng nhà hát ở khu vực Hồ Tây. Có vài điểm cần lưu ý với công trình này.
Thứ nhất, về chủ trương xây dựng nhà hát: Vấn đề xây dựng nhà hát đã được thống nhất chủ trương về quy hoạch tổng quan của Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Khu vực Hồ Tây là vùng văn hóa sâu đậm bản sắc, đồng thời có khả năng khai thác về du lịch và vui chơi giải trí, nếu chúng ta có thêm loại hình nhà hát để phục vụ cho hưởng thụ văn hóa tinh thần. Đây sẽ là một sự kết nối rất tuyệt vời và cách đặt vấn đề là phù hợp.
Thứ hai, về vị trí: Đây là một vấn đề có rất nhiều tranh cãi. Như tôi cũng đã nói, khu vực phía tây Hồ Tây đã trở thành khu cho các bộ ban ngành trung ương làm việc, đã có cuộc thi về kiến trúc, đã lựa chọn xong phương án và đang triển khai.
Khi Hà Nội đặt nhà hát ở khu đấy thì có sự bất cập, nên dừng lại. Còn với trục Cổ Loa - Sông Hồng - Hồ Tây, kết thúc của trục đó là một công viên rất rộng lớn, gắn liền với mặt nước và cây xanh, như vậy rất phù hợp với tổ chức hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí và các dịch vụ phục vụ cho văn hóa tinh thần.
Tôi đánh giá tư duy của các nhà thiết kế, kiến trúc sư trên thế giới khi họ đề xuất, thì “cái tầm” của họ thường nhìn rất xa và họ có một tư duy gắn với yếu tố nghề nghiệp, linh cảm nghề nghiệp và khả năng khai thác của họ rất tốt. Vì vậy khi họ chọn khu vực này ắt hẳn là lựa chọn đạt một tầm rất cao.
Thứ ba, về giao thông khu vực này: Dư luận có những quan tâm cần phải làm rõ và rà soát lại một cách thật kỹ lưỡng. Giao thông trong một khu đô thị có mật độ đông và có hoạt động thường xuyên thì sẽ có bài toán ra sao? Bài toán này ở Việt Nam vốn dĩ trong quá trình quy hoạch thường tính toán chưa được đầy đủ như các nước tiên tiến.
Với dự án này, cần phải có bố cục giao thông, hệ thống đường, độ rộng, mảng đường làm sao phù hợp được với tất cả chức năng về giao thông cơ giới, giao thông bộ. Giao thông cũng cần phải đáp ứng được hết công suất của toàn hệ thống, không chỉ riêng nhà hát mà xung quanh còn nhiều công trình khác. Đây là một bài toán mà thành phố phải tính toán có sức thuyết phục.
Quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An |
Riêng về vị trí đặt nhà hát, hiện nhiều người còn băn khoăn về lối vào của nhà hát hai phía và đi đường khá xa mới có thể tới. Ở đây nhà tư vấn cũng giải thích sẽ có hệ thống giao thông bằng xe điện cho tất cả mọi người có thể dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc thêm việc đi lại của người dân cho thuận tiện hơn.
Tôi lấy ví dụ như nhà hát hiện nay của chúng ta có 2 lối vào, cũng mô hình như thế ở nhà hát opera Bắc Kinh thì đi qua hồ để vào, còn chúng ta đi vòng quanh hồ. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên như nhà hát opera Bắc Kinh có lối tiếp cận nhà hát bằng lối ngầm ở dưới hồ hay không? Tất cả những yếu tố này chúng tôi nên cân nhắc và tính toán, đúng như ý kiến của người dân đã nêu.
PV: Hội kiến trúc sư nhìn nhận về thiết kế nhà hát tại khu vực hồ Đầm Trị như thế nào thưa ông?
TS.KTS Phan Đăng Sơn: Chúng tôi bắt đầu từ đánh giá của hội đồng kiến trúc là tổng hợp ý kiến của đa số chuyên gia về kiến trúc quy hoạch và đánh giá này cũng gần như trùng lặp đánh giá của thành phố. Theo đánh giá này, vị trí công trình đặt tại hồ Đầm Trị là khu vực trung tâm, điểm kiến trúc trục không gian của bán đảo Hồ Tây là hợp lý, thuận lợi tạo không gian và tầm nhìn cảnh quan từ nhiều phía.
Về hình thái kiến trúc, ý tưởng ngọc trai Hồ Tây vươn lên từ mặt nước là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, giàu tính lịch sử, văn hóa, đột phá về không gian, phù hợp với khung cảnh thanh tịnh của Hồ Tây. Hội Kiến trúc sư đã làm văn bản báo cáo gửi tham gia ý kiến với Thành ủy và UBND thành phố. Chúng tôi đánh giá nhà hát khi đặt tại vị trí đó sẽ góp phần hình thành trục Hồ Tây - Sông Hồng - Cổ Loa, việc hình thành trục này là một ý tưởng hay và đột phá về quy hoạch.
Hình thái mái của nhà hát là một hình vòm không xác định, hoàn thiện bên ngoài hiệu ứng ngọc trai lấp lánh biến ảo, đây cũng là một yếu tố rất tốt.
Vì vậy, chúng tôi đánh giá nhà hát đặt tại đây giúp cho không gian Hồ Tây trở nên sống động và có sức cuốn hút cao hơn về mặt cảm thức. Trên thế giới đã có bài học, ví dụ như Nhà hát Opera Bắc Kinh đặt trong khu vực thành cũ, cách Tử Cấm Thành và Quảng trường Thiên An Môn vài trăm mét, đồng thời đặt ở giữa khu vực hồ đó.
Khi xây dựng Nhà hát Opera Bắc Kinh gây nhiều tranh luận và sự phản đối lớn. Tuy nhiên sau đó có sự lý giải phù hợp của chính quyền, sự trình bày nhân văn của các nhà tư vấn thì cuối cùng cũng được lựa chọn. Hiện nay, nhà hát này rất thành công trong vấn đề khai thác trong khía cạnh phục vụ văn hóa cũng như phục vụ kết nối trong nước và quốc tế.
Hay trước đây, Trung tâm văn hóa Pompidou nằm ở giữa trung tâm Paris cũng có rất nhiều ý kiến phản đối lựa chọn vị trí đó. Tuy nhiên đến bây giờ, Trung tâm văn hóa Pompidou là một trong số những điểm quan trọng thu hút du khách trong nước và quốc tế. Chưa nói đến nội dung hoạt động của trung Trung tâm văn hóa Pompidou phục vụ cho cộng đồng người dân Paris ở khu vực rất lớn.
Về việc mô hình nhà hát này có mang tính biểu tượng hay không, thì về hình thái kiến trúc mỗi người có một quan điểm khác nhau. Tuy nhiên đa số giới kiến trúc trong hội đồng và giới kiến trúc sư hiện nay đánh giá mô hình nhà hát có cơ sở thành biểu tượng và khả năng nhập cuộc với không gian văn hóa Hồ Tây.
Khi đọc một cách sâu sắc xuất phát điểm tư duy của ông Renzo Piano thì thấy rằng cách đặt vấn đề của ông và giải quyết vấn đề rất thành công. Ông đặt vấn đề nhà hát nằm ở Hồ Tây phải trở thành bộ phận gắn kết hài hòa với Hồ Tây nên đã lựa chọn hình ảnh mái vòm như những sóng nước nằm trên Hồ Tây. Hình hài kiến trúc của nhà hát là một hình mềm, uyển chuyển khi đặt trong không gian Hồ Tây là rất phù hợp. Hình hài này rõ ràng rất độc đáo, thể hiện tính sáng tạo rất cao, hòa nhập tốt với không gian, nơi chốn.
Toàn cảnh khu vực Hồ Tây và hồ Đầm Trị |
Hội kiến trúc sư thấy rằng tác phẩm này tạo niềm tin, mang tính đột phá với khả năng tương tác thu hút cao về văn hóa - du lịch và có nghiên cứu thành công văn hóa đặc sắc vùng miền kết hợp với tinh hoa của nhân loại. Chúng ta có thể tìm thấy sự đột phá của các nhà hát trên thế giới rất nhiều như Nhà hát Sydney, Nhà hát Opera Bắc Kinh, Nhà hát Opera ở Dubai, nhà hát Sầu Riêng ở Singapore… Tất cả những công trình trên cho thấy tính đột phá không phải điều dễ dàng.
Khi nói về tính đột phá và sức hút, chúng ta cũng phải thấy rằng, ở đâu có những kiến trúc sư lừng lẫy thế giới nhập cuộc tham gia công trình thì sẽ có một cơ hội rất lớn về phát triển văn hóa, vùng miền ở nơi đó và có sự cuốn hút rất lớn đối với du khách quốc tế.
Về cấu trúc mặt bằng của nhà hát, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng thiết kế rất chuyên nghiệp, đồng thời cũng phù hợp với phát triển chung của chúng ta. Ví dụ, nhà hát này có quy mô nhỏ hơn những nhà hát nổi tiếng trên thế giới nhưng độ đa dạng và phù hợp với Việt Nam lại cao hơn.
Tại đây có khán phòng Opera 1.815 chỗ và đồng thời có khán phòng đa năng, nếu bố trí ghế đứng thì được 2.000 chỗ, ngoài ra còn có trung tâm triển lãm, bảo tàng, các hoạt động gắn kết với vườn hoa, công viên bên ngoài, bảo tàng gốm sứ, hoạt động thư pháp… Rõ ràng cách kết nối như vậy đối với một trung tâm văn hóa, chúng tôi cho rằng sẽ rất thành công.
Cấu trúc mặt bằng này thể hiện tính chuyên nghiệp rất cao của bản thiết kế. Các kiến trúc sư Việt Nam hay nói với nhau rằng: Có thể thiết kế về hình thái, sáng tạo, kiến trúc, các kiến trúc sư Việt Nam cũng có tiếng trên thế giới và sẵn sàng cạnh tranh, đương đầu. Rõ ràng công nghệ bên trong của những công trình phức tạp chúng ta vẫn còn đi sau, vì vậy để triển khai được chúng ta còn phải học tập nhiều.
Trong trường hợp này, ông Renzo Piano là người đã làm ra rất nhiều công trình và dày dặn kinh nghiệm nhưng chúng tôi thấy thú vị là ông vẫn sử dụng nhiều nhà tư vấn chuyên ngành khác cho công trình này như chuyên ngành về nhà hát, chuyên ngành thiết kế cơ cấu điện nước… và ông mời toàn là các nhà tư vấn hàng đầu thế giới cùng ông tham gia tổ hợp này.
Các nhà tư vấn kia cũng đã mạo hiểm và đóng góp sơ bộ cho dự án của Renzo, có thể thấy cách làm việc của họ là cách làm mang tính nghệ thuật rất cao, nghiêm túc và chúng ta nên kính trọng điều đó.