Can thiệp 5 trường hợp đóng thông liên nhĩ lỗ thứ phát bằng dụng cụ qua da
Theo đó, 5 trường hợp được nhập viện ngày 21/5 được tuyến trước chuyển đến với chẩn đoán thông liên nhĩ có chỉ định can thiệp.
Bệnh nhân nam P.V.H (60 tuổi, ở Vĩnh Long) được chỉ định nhập viện với tình trạng thường xuyên mệt khi gắng sức, kết quả siêu âm tim qua thành ngực ghi nhận thông liên nhĩ thứ phát kích thước 30 - 33mm, luồng thông từ trái sang phải, tăng áp lực động mạch phỗi (PAPs = 45mmHg).
Ê kíp can thiệp đóng thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da cho bệnh nhân |
Các bác sĩ hội chẩn quyết định thực hiện kỹ thuật đóng thông liên nhĩ qua da với sự hỗ trợ của TS.BS Đỗ Nguyên Tín - Trưởng đơn vị Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Ê kíp khoa Tim mạch can thiệp phối hợp ê kíp siêu âm tim qua thực quản khoa Nội Tim mạch tiến hành đo kích thước lỗ thông, dùng dụng cụ kích thước 36mm đóng lỗ thông liên nhĩ, cố định tốt, đúng vị trí. Thủ thuật thành công sau 45 phút.
Tương tự, 4 bệnh nhân thông liên nhĩ khác cũng được thực hiện kỹ thuật này trong ngày 24/5.
Tình trạng hiện tại cả 5 bệnh nhân sức khỏe ổn định. Sau can thiệp, các triệu chứng lâm sàng cải thiện, siêu âm tim kiểm tra trước xuất viện kết quả tốt, dự kiến xuất viện trong ngày 28/5.
Bác sĩ CKII Trần Văn Triệu - Trưởng khoa Tim mạch can thiệp cho biết: Thông liên nhĩ là một bệnh tim bẩm sinh thường gặp, chiếm từ 5 - 10% các dị tật về tim bẩm sinh ở trẻ em. Ở người lớn, tỷ lệ này là 30%, chiếm khoảng 0,01% tổng dân số.
Ở người lớn, các triệu chứng có thể xuất hiện là khó thở khi gắng sức, ho, hồi hộp, loạn nhịp tim… khi có suy tim, tăng áp phổi, loạn nhịp tim hay các triệu chứng yếu, liệt… do tai biến mạch máu não.
Bệnh ổn định sau can thiệp |
Can thiệp đóng thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da là phương pháp điều trị ít xâm lấn, với đường tiếp cận thường qua tĩnh mạch đùi mà không cần mở ngực. Qua đó, dụng cụ can thiệp được đưa vào tim qua các ống thông, để đến bít lỗ thông liên nhĩ.
So với phương pháp điều trị phẫu thuật cổ điển thì can thiệp đóng thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da có ưu điểm: Xâm lấn tối thiểu, an toàn và không đòi hỏi nhiều phương tiện kỹ thuật; có thể triển khai thường quy tại các cơ sở có phòng thông tim, mang tính thẩm mỹ cao hơn so với phương pháp mổ hở.
Phương pháp này cũng giúp giảm sang chấn, ít đau, ít chảy máu. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong quá trình thực hiện và hồi phục sức khỏe; thời gian nằm viện được giảm xuống đáng kể. Tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ được giảm thiểu.
Bệnh tim bẩm sinh ở người lớn được xác định là dị tật ở tim xảy ra từ trong bào thai và đã xuất hiện từ lúc mới sinh. Bệnh thường có diễn tiến âm thầm.
Để hạn chế tối đa các hậu quả có thể xảy ra, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần tầm soát, tái khám định kỳ phát hiện sớm các biến chứng cũng như tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.