Cần xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân
Ngày 6/8, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh đặc biệt của dịch bệnh COVID-19, hệ thống y tế tư nhân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp có tính lịch sử đối với ngành y tế.
Trong suốt thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Hiệp hội xác định hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là nhu cầu cần thiết của người dân nên thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin nhanh chóng, kịp thời và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các hội viên thực hiện tốt những chính sách, quy định về y tế trong giai đoạn dịch bệnh do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam ban hành.
Toàn cảnh hội nghị |
Đặc biệt, Hiệp hội thường xuyên vận động, đề nghị, đôn đốc hội viên tích cực, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, chia sẻ chung tay với hệ thống y tế công lập đẩy lùi dịch bệnh tại địa bàn, góp phần cùng Chính phủ, ngành y tế bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, nhân viên y tế.
Do tác động của dịch bệnh COVID-19, nhiều cơ sở hội viên đã chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 3 và thứ 4. Một số đơn vị phải thực hiện lệnh phong tỏa, cách ly, khiến cho hoạt động khám chữa bệnh bị đình trệ, ảnh hưởng đến tình hình tài chính, quản trị của bệnh viện.
Trong đó, hầu hết các bệnh viện tư nhân tại khu vực miền Nam đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, các phòng khám phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, các bệnh viện giảm số lượt tiếp nhận điều trị bệnh nhân, tất cả đều dành ưu tiên trang thiết bị, cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch.
Mặc dù gặp vô vàn khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra nhưng hội viên Hiệp hội vẫn nỗ lực cố gắng vượt qua, trụ vững. Nhiều cơ sở y tế tư nhân dù lực lượng còn mỏng nhưng sẵn sàng hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Bộ Y tế chia sẻ với hệ thống y tế công lập bố trí nhân lực, đầu tư trang thiết bị, máy móc vật tư y tế tích cực tham gia công tác sàng lọc, xét nghiệm, phòng, chống dịch, thiết lập giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 tại địa phương với tổng giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam phát biểu tại hội nghị |
Ước tính trong năm 2021, các hội viên Hiệp hội đã vận động hàng nghìn cán bộ y, bác sỹ tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố trọng điểm của cả nước. Nhất là trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội đã vận động, kêu gọi các đơn vị hội viên ưu tiên dành mọi nguồn lực để hỗ trợ TP Hồ Chí Minh, theo đó các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân đã chủ động lên phương án “tách đôi” để đảm bảo vừa chăm sức khoẻ Nhân dân vừa sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.
Ông Hoàng Mạnh Thế, Phó Chủ tịch Hiệp hội cũng cho biết thêm, cả nước hiện có gần 320 bệnh viện tư và 38.000 phòng khám tư, chỉ đáp ứng hơn 5% tổng số giường bệnh, tỉ lệ này rất thấp.
“Trong giai đoạn hiện nay, phát triển y tế tư nhân là một xu thế tất yếu và phù hợp với nền kinh tế thị trường. Tuy vậy, thực tế cho thấy y tế tư nhân ở nước ta chưa phát triển đúng với tiềm năng và nhu cầu của xã hội”, ông Thế cho biết thêm.
Bác sĩ Đào Cảnh Tuất Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Vạn Phúc Sài Gòn phát biểu tại hội nghị |
Vì sự phát triển của đất nước và ngành y tế, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chính sách khuyến khích mạnh mẽ các mô hình y tế tư nhân hoạt động không vì lợi nhuận như chính sách thuế, hỗ trợ vốn, đất đai…
“Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân được tham gia những khóa đào tạo nâng cao, cập nhật kiến thức và trao đổi, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến giữa y tế công với y tế tư nhân”, ông Thế nói.
Theo ông Đào Cảnh Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Vạn Phúc Sài Gòn, hiện chưa có hành lang pháp lý cho hợp tác công - tư, nhiều văn bản pháp luật chồng chéo và chưa kêu gọi được các nhà doanh nghiệp lớn đầu tư vào y tế.
“Tôi kiến nghị Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách về hợp tác công - tư. Bên cạnh đó, Hiệp hội cần có bộ phận pháp lý để làm việc với Bộ Y tế liên quan hợp tác công - tư”, ông Tuất nói.