Bệnh viện ngoài công lập không được thu thêm chi phí điều trị bệnh Covid-19
TP Hồ Chí Minh được hỗ trợ 14 triệu kit test nhanh Covid-19 Dịch vụ xét nghiệm Covid-19 tại nhà: Cầu càng cao, giá càng tăng |
Lượng hàng hóa về TP Hồ Chí Minh tăng 5.137 tấn
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vào chiều 1/10, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP cho biết, trong ngày lượng hàng hóa về TP Hồ Chí Minh tăng so với ngày 29/9 là 5.137 tấn.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tại buổi họp báo |
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, cụ thể trong ngày 1/10 lượng hàng hóa về hệ thống phân phối hiện đại chiếm hơn 1.195 tấn; Các doanh nghiệp bình ổn chiếm hơn 3.500 tấn; Tại các chợ đầu mối chiếm hơn 800 tấn. Theo luật cung cầu, nếu hàng hóa về càng nhiều, giá cả càng giảm, và hôm nay do hàng hóa về nhiều hơn nên giá cả nhiều mặt hàng cũng được điều chỉnh giảm.
“Trong ngày đầu tiên mở cửa trở lại nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh cũng đã tác động làm tăng lượng hàng hóa. Do đó, sắp tới, giá cả hàng hóa có thể sẽ tiếp tục giảm. Hiện nay, Sở đang làm việc với các nhà cung ứng, doanh nghiệp để tìm nhiều giải pháp đưa nguồn hàng về TP Hồ Chí Minh nhiều hơn”, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Nguyễn Thị Kim Ngọc nói.
Trong khi đó, theo ghi nhận của các phóng viên trong ngày đầu mở cửa lại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nguồn cung các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khá phong phú, giá cả nhiều mặt hàng như: Rau, củ, quả, thịt lợn, hải sản... đã được giảm giá tới 60% để kích cầu tiêu dùng. Trong ngày này, lượng người dân đi mua sắm hàng hóa cũng không đông. Khi vào các siêu thị mua hàng, người dân đều tuân thủ việc khai báo y tế, có "Thẻ xanh Covid-19", sát khuẩn tay, đo nhiệt độ...
Nguồn cung hàng hóa thực phẩm tại các siêu thị khá dồi dào trong ngày đầu mở cửa trở lại |
Liên quan đến việc xét nghiệm shipper, bà Ngọc cho biết thêm, hiện nay Sở Công Thương đã chuyển hết tất cả bộ kit test đến các doanh nghiệp, đơn vị. Từ 1/10, Sở cũng đang xin ý kiến về kế hoạch xét nghiệm tiếp theo. Mặt khác, Sở Công thương luôn xem lực lượng shipper là lực lượng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn phòng, chống dịch. Vì vậy, công tác hỗ trợ xét nghiệm được Sở rất quan tâm.
60% người trên 50 tuổi tiêm đủ mũi vaccine
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, trong kho HCDC tính đến ngày 30/9 còn trên 600.000 liều Vero Cell, chưa kể số lượng đã phân bổ về 22 địa phương.
“Như vậy, tình hình chung là không có chuyện hết vaccine Vero Cell”, ông Tâm khẳng định và cho biết sẽ rà soát các địa phương gặp khó khăn để hỗ trợ (nếu có).
Về tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho người trên 50 tuổi, ông Tâm thông tin, cách đây mấy ngày, ông công bố tỷ lệ tiêm cho người trên 50 tuổi là 100% mũi 1. Tuy nhiên, sau khi các địa phương rà soát lại dân số thì nhận thấy số dân cao hơn thống kê ban đầu, do đó, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho nhóm này giảm xuống 95%. Về tỷ lệ tiêm mũi 2, đến nay TP đã tiêm 60% mũi 2 cho nhóm người trên 50 tuổi. Như vậy, tỷ lệ tiêm 2 mũi cho nhóm này đã tăng 15% so với 2 ngày trước.
Liên quan giải pháp cho người lao động chống chỉ định tiêm vaccine trở lại làm việc, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP cho biết, tất cả chủ trương, chính sách của Nhà nước đều gắn với việc chăm sóc sức khỏe, quyền lợi cho người lao động. Việc tiêm vaccine cũng nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trong môi trường làm việc trước tác động của dịch Covid-19. Theo bà Mai, đối với người bị chống chỉ định tiêm hiện nay không nhiều. Việc người lao động được đi làm hay không còn phụ thuộc vào cá nhân người lao động và doanh nghiệp…
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh |
Về việc thu phí điều trị Covid-19 tại các cơ sở tư nhân, Sở Y tế đã có văn bản về cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế chuyển đổi công năng. Trong đó, đối với người bệnh Covid-19, ngân sách Nhà nước chi trả chi phí khám, chữa bệnh do Covid-19, bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc (trừ thuốc Remdesivir 100 mg, Molnupiravir 400 mg đã được Sở Y tế cấp), máu, dịch truyền... theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh. Đối với bệnh khác: Người có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí khám, chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT. Với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT (nếu có), người bệnh phải tự chi trả theo quy định.
Về các chi phí liên quan điều trị Covid-19, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tạm thanh toán cho cơ sở y tế tư nhân các chi phí bao gồm: Chi phí ăn uống 80.000 đồng/người bệnh/ngày, phí sinh hoạt 40.000 đồng/người bệnh/ngày. Trường hợp người bệnh điều trị Covid-19 tại cơ sở y tế tư nhân tử vong, ngân sách Nhà nước sẽ chi trả các chi phí mai táng.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Sở Y tế TP đề nghị bệnh viện ngoài công lập không từ chối hoặc yêu cầu người mắc Covid-19 ký cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí (như yêu cầu người bệnh không sử dụng ngân sách Nhà nước, thẻ BHYT...,); Không được thu thêm chi phí điều trị bệnh Covid-19 của người bệnh. Còn với các dịch vụ khác ngoài phạm vi chi trả của ngân sách Nhà nước (tiền phòng và tiền ăn theo yêu cầu, các dịch vụ tiện ích theo yêu cầu của người bệnh...), bệnh viện tư nhân được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận, nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế (nếu có).