Cần xử phạt nghiêm các đối tượng tung tin sai sự thật trên mạng xã hội
Liên tiếp xử lý nhiều đối tượng thông tin sai sự thật
Công an thành phố Hà Nội thông tin, qua công tác nắm tình hình trên mạng xã hội Facebook, phát hiện tài khoản Kiều Chinh có đăng tải bài viết "Bác nào gửi tiền vào đây đi rút ngay còn kịp", tạo tâm lý bất an, kích động người dân rút tiền liên quan đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Quá trình xác minh, vào ngày 26/10, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã mời N.K.C (sinh năm 2000; Ở thôn 7, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) đến làm việc. Tại đây, C đã thừa nhận sai phạm của bản thân và cam kết không tái phạm, chấp hành hình thức xử lý của cơ quan chức năng đối với vi phạm của mình.
Căn cứ Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/1/2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, hoạt động xuất bản, Công an huyện Gia Lâm đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với N.K.C về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật với mức phạt tiền là 7,5 triệu đồng.
Lực lượng chức năng làm việc với đối tượng tung tin sai sự thật trên mạng xã hội |
Không ít đối tượng đã lợi dụng sự tiện lợi, nhanh chóng của mạng xã hội để đưa thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật với mục đích câu like, câu view. Đã có không ít doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của cá nhân, thương hiệu, đặc biệt là bị thiệt hại lớn về kinh tế.
Sau khi tin đồn trên mạng xã hội bôi nhọ thương hiệu Vingroup bị phát tán, cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup đã lao dốc... Xác minh các tài khoản Facebook, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Tô Vĩ H, ở Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội, số tiền 7,5 triệu đồng và yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
Ngoài trường hợp ông H, các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định đối với 9 cá nhân tại tỉnh, thành phố khác vì đã đưa thông tin thất thiệt về ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup bị cấm xuất cảnh.
Đáng chú ý, ngày 27/10, Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) tuyên án 2 năm tù đối với Facebooker Đặng Như Quỳnh về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo cáo trạng, từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, bị cáo sử dụng tài khoản Facebook “Đặng Như Quỳnh” đăng tải nhiều bài viết hoặc chia sẻ lại bài viết của người khác, bao gồm nội dung ám chỉ về việc các cơ quan tố tụng sẽ xử lý hình sự đối với Chủ tịch HĐQT một tập đoàn lớn.
Thông tin này sau đó đã lan truyền tại nhiều diễn đàn mạng xã hội, kéo theo phản ứng tiêu cực của hàng loạt nhà đầu tư. Liên tiếp các phiên chứng khoán sau đó, nhiều cổ phiếu của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn bị bán tháo, trong khi trước đó có xu hướng tăng. Riêng vốn hóa mã chứng khoán của một đơn vị lớn trên thị trường đã giảm tới 5.200 tỷ đồng chỉ trong vài ngày.
Cần xử lý mạnh tay những trường hợp vi phạm
Với hàng loạt tin đồn thất thiệt thời gian qua, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, thiệt hại từ những đối tượng này mang lại nghiêm trọng không kém tội phạm ở nhiều lĩnh vực khác, thậm chí nặng nề hơn.
Điều nguy hiểm hơn được luật sư Đức chỉ ra, đó là thiệt hại không chỉ tính bằng tiền, mà là sự mất lòng tin vào doanh nghiệp và cả thị trường. “Đây là thiệt hại không thể đo lường được, bởi niềm tin không chỉ ảnh hưởng giao dịch hiện tại của một doanh nghiệp mà của cả thị trường, không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai”, vị luật sư nói.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, mỗi tin đồn sẽ tạo ra nhiều vòng ảnh hưởng trong thời gian dài. Với một số doanh nghiệp nhỏ, tin đồn sẽ sớm bị quên lãng. Tuy nhiên, với các đơn vị, tập đoàn lớn, tin đồn tạo thành ấn tượng xấu và dai dẳng với người tiếp nhận.
Từ hậu quả nghiêm trọng ấy, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc xử phạt hành chính hiện nay 10-20 triệu đồng là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đặc biệt là hành vi này có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế có khi lên tới cả trăm, nghìn tỷ đồng.
Cần xử lý mạnh tay, dứt khoát và nhanh chóng những đối tượng tung tin đồn sai sự thật để bảo vệ doanh nghiệp, thị trường, bảo vệ an ninh kinh tế, trật tự xã hội |
Theo luật sư Trương Thanh Đức, các đối tượng tung tin đồn thất thiệt hoàn toàn có thể bị xử lý về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật Hình sự với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị phạt tù từ 2-7 năm.
“Cần xử lý mạnh tay, dứt khoát và nhanh chóng để bảo vệ doanh nghiệp, thị trường, bảo vệ an ninh kinh tế, trật tự xã hội. Ngoài ra, cần xử lý những vụ việc điển hình một cách kịp thời, nghiêm minh, để chính những người vi phạm và nhà đầu tư, người dân cảm nhận được bằng thực tế”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Để ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các thông tin xấu, độc, thông tin thất thiệt trên mạng xã hội liên quan đến doanh nghiệp, thời gian tới, các Sở, ngành cần tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền, thực hiện nghiêm quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Luật An ninh mạng; Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện...
Đồng thời, các đơn vị tăng cường giám sát an ninh mạng để kiểm tra, giám sát, phát hiện, đấu tranh và xử nghiêm các trường hợp đưa tin, chia sẻ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; Sớm cung cấp thông tin cho báo chí định hướng dư luận.