Cảnh báo nguy cơ tai nạn chấn thương trong mùa mưa bão
Đa chấn thương do trèo lên sữa chữa mái nhà
Trong những ngày vừa qua, đa phần các bệnh nhân chuyển đến Bệnh viện Việt Đức từ các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, trong đó có cả từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Sơn La...
Tính riêng ngày 8/9, Bệnh viện này tiếp nhận 180 ca cấp cứu thì có đến 74 ca liên quan hậu mưa bão, do người dân sửa nhà bị tốc mái; chặt dọn cây đổ sau mưa bão, trơn trợt bị ngã... trong đó, có những ca chấn thương sọ não, vỡ đại tràng nguy kịch.
Số ca liên quan đến hậu bão số 3 tăng gấp 5 lần so với ngày xảy ra bão (ngày 7/9), phần lớn đều chuyển từ tuyến dưới lên.
Khoa cấp cứu tiếp nhận liên tục các bệnh nhân gặp nạn do mưa bão. Ảnh: BVCC |
TS.BS Quách Văn Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết: Các kíp trực cấp cứu vẫn tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân bị tai nạn sinh hoạt, chấn thương do khắc phục sự cố, hậu quả sau bão.
Đầu giờ chiều 9/9, một bệnh nhân Đ.V.T được chuyển đến Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt Đức từ Trung tâm Y tế huyện Bắc Yên - Sơn La trong tình trạng gẫy xương gần khớp gối do ngã xe máy khi lưu thông trên đường vào sáng 8/9.
Theo lời kể của anh T, khi đang đi trên đường thuộc khu vực xã Hang Đồng, huyện Bắc Yên thì thấy có sạt lở, trong lúc tránh đá to trên đường, không may bánh xe trước của anh đã 'sa' vào cống thoát nước ven đường.
Lúc này cả người và xe đều ngã và chân anh T đã không thể cử động. Do trời mưa nên đoạn đường này mãi mới có người qua lại và đã đưa anh vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện.
Sau khi được sơ cứu, gia đình đã xin chuyển đưa anh T xuống Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật gẫy xương chân.
Ngoài ra, một trường hợp người đàn ông 67 tuổi ở Bắc Giang giúp hàng xóm sửa mái nhà bị tốc sau bão đã bị ngã từ cao xuống, tai nạn xảy ra chiều 7/9, nhưng do mưa bão đi lại khó khăn, đến trưa 8/8, bệnh nhân mới được đưa đến Bệnh viện Việt Đức.
Bệnh nhân được mổ ngay sau đó, nhưng tình trạng vỡ đại tràng gây nhiễm khuẩn, nguy kịch. Bệnh nhân hiện vẫn thở máy. Một trường hợp khác gặp tai nạn khi dọn dẹp cây đổ sau bão, lưỡi cưa văng vào chân gây chấn thương nghiêm trọng.
Trước đó nữa, trong 2 ngày 6-7/9, tua trực của Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận và điều trị 14 ca cấp cứu nhập viện do siêu bão tác động, cụ thể trong đó có 1 trường hợp do cây đổ đè xuống người gây chấn thương sọ não; 2 trường hợp chấn thương chi, chấn thương sọ não do tường và kính vỡ đổ vào người cùng gần 10 trường hợp tai nạn ô tô, xe máy khi đang tham gia giao thông "vượt bão về nhà".
Kíp trực đã nỗ lực cấp cứu người bệnh trong cơn bão nhằm bảo vệ tính mạng và sức khỏe của họ trong tình huống khẩn cấp.
Việc cấp cứu kịp thời giúp bệnh nhân tránh khỏi nguy cơ tổn thương thêm, duy trì quá trình điều trị liên tục, đồng thời giảm thiểu rủi ro tử vong hoặc các di chứng nặng nề do thiên tai gây ra.
Phòng tránh tai nạn mùa mưa bão
Những ngày tới dự báo diễn biến thời tiết sau bão còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Mục nước một số sông trên địa bàn đang có mức cao kéo theo nguy cơ cao gây ngập lụt tại Hà Nội.
Bảo đảm sức khoẻ cho người dân |
Để đảm bảo an toàn đê điều, chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết nêu trên, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, một số địa phương đã liên tục cập nhật thông báo đến người dân, các tổ chức có hoạt động ở khu vực bãi sông; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân ở những khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm như: khu vực bãi giữa sông Hồng trên địa bàn các quận: Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên...
Mái tôn có tính thẩm mỹ cao, giá rẻ nên được sử dụng phổ biến ở nhiều công trình xây dựng. Tuy có nhiều ưu điểm nhưng mái tôn vẫn ẩn chứa nhiều hiểm họa khôn lường. Trong đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều nhà đã bị tốc mái tôn.
Do là loại vật liệu nhẹ, chất liệu bằng kẽm nên không chịu được những đợt gió bão mạnh. Những tấm mái tôn này rơi xuống có thể lao vào người đi đường, gây thương tích, thiệt hại tính mạng và làm hư hỏng phương tiện giao thông.
Trước mỗi mùa mưa bão, người dân cần kiểm tra lại mái tôn, ốc vít, gia cố các mối hàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho mái tôn như sử dụng bao cát, gạch để cố định mái nhà... Tuy nhiên, trong thời điểm đang xảy ra mưa bão, người dân cần lưu ý khuyến cáo của các cơ quan chức năng tuyệt đối không leo trèo lên gia cố mái tôn.
Tài xế cần chú ý quan sát các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lý bởi khi gió lớn, nhiều biển bạt, mái tôn, cành cây có thể bị rơi xuống lòng đường, quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.
Người dân hạn chế di chuyển trên cầu cao vào những ngày có gió giật mạnh. Nguyên nhân là càng trên cao sức gió càng mạnh, không thể làm chủ được tay lái.