Cấp cứu bệnh nhân bị kiếm đâm xuyên từ ngực xuống ổ bụng
Bệnh nhân bị người khác dùng kiếm đâm từ ngực xuyên xuống ổ bụng. Sau tai nạn, bệnh nhân đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu: Ý thức lơ mơ, khó thở, bụng chướng, huyết áp 60/40mmHg; Vết thương xuyên từ ngực xuống bụng, rách màng phổi, tràn máu màng phổi, rách cơ hoành, thủng đại tràng.
Các bác sĩ đã hội chẩn chuyên môn và tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Nhận thấy tình trạng bệnh nhân nguy kịch và có diễn biến phức tạp, bệnh viện đã huy động tối đa nguồn lực với sự phối hợp của các bác sĩ khoa Ngoại, khoa hồi sức cấp cứu, khoa Gây mê hồi sức cùng tham gia cấp cứu, vừa hồi sức vừa phẫu thuật.
Các bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân |
Kíp phẫu thuật bao gồm: Bác sĩ Chu Thanh Bình, bác sĩ Phùng Quang Mạnh, bác sĩ Phạm Hùng Thắng cùng đội ngũ các bác sĩ giàu kinh nghiệm thực hiện phẫu thuật mở màng phổi ổ bụng kiểm tra, khâu cầm máu, lấy ra khoảng 800ml máu từ ổ bụng và khoang màng phổi phải, sau đó dẫn lưu màng phổi, khâu lỗ thủng cơ hoành, khâu màng phổi, khâu lỗ thủng đại tràng.
Bệnh nhân vừa mổ vừa được hồi sức tích cực, truyền máu và dịch thuốc nâng huyết áp, ổn định tim mạch, hô hấp.
Sau mổ bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt, theo dõi liên tục toàn trạng, diễn biến vùng mổ để phát hiện các diễn biến bất thường. Sau điều trị, hiện tại ngày thứ 10, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, đi lại và ăn uống tốt, dự kiến cho ra viện.
Sau điều trị, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, đi lại và ăn uống tốt, dự kiến cho ra viện. |
Theo đánh giá của các bác sĩ, vết thương xuyên ngực là thương tổn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch… Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.
Đây là một ca phẫu thuật rất phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm và trình độ chuyên môn vững vàng của các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì trong chẩn đoán, điều trị các ca bệnh nặng, phức tạp; Qua đó, góp phần nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại địa phương, giảm tỉ lệ chuyển tuyến.