Cắt giảm thủ tục, triển khai nhanh gói hỗ trợ đến với người lao động gặp khó khăn do Covid-19
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị |
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa góp phần phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân. Nổi bật là cả nước tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 645.000 chỉ tiêu; Đưa hơn 40.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; chi trả kịp thời các chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Những tháng cuối năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội kiên trì thực hiện các mục tiêu đề ra từ đầu năm, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng về việc làm do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, tăng thêm 3,7 triệu người so với thời điểm cuối quý I/2021.
Nhằm tạo "giá đỡ" an sinh xã hội cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai và đề xuất triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Sau khi Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được ban hành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quán triệt sâu rộng nội dung các chính sách này đến người dân.
Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương thông tin, Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; Đồng thời, xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện trình thành phố xem xét, ban hành. Sở cũng thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị của người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người lao động và người sử dụng lao động…
Nhằm đưa chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đến đúng đối tượng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sớm ban hành quy định về thủ tục hành chính hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, làm căn cứ để các địa phương dễ dàng triển khai.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, quy trình, thủ tục hành chính hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 đã được quy định rõ ràng tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, không cần thêm bất cứ hướng dẫn nào. Các địa phương cần nghiên cứu rõ các nội dung để triển khai. Bộ khuyến khích các địa phương cắt giảm thêm thủ tục, càng đơn giản thì chính sách hỗ trợ sẽ càng nhanh đến với người lao động.
Thông tin thêm về việc triển khai gói chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận cho biết, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội từ trung ương tới địa phương đã bố trí nguồn kinh phí, con người, bảo đảm tiếp đón các nhóm đối tượng nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ với tinh thần trách nhiệm cao nhất, việc xét duyệt hồ sơ diễn ra trong thời gian ngắn nhất.