“Cát tặc” vẫn ngang nhiên “đục khoét” sông Hồng
“Cát tặc” công khai lộng hành
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô trong các ngày 5 đến 10/7, trên sông Hồng, đoạn qua địa phận huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tình trạng tàu khai thác cát trái phép vẫn diễn ra rầm rộ. Điển hình ở các xã Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Nam, nhiều tàu “cát tặc” còn công khai hoạt động giữa ban ngày khiến người dân địa phương càng thêm bức xúc.
Đêm đến, tàu “cát tặc” đua nhau xếp hàng ngang, dàn hàng dọc, rọi đèn sáng trưng trên sông Hồng đoạn qua địa bàn xã Cẩm Đình để khai thác cát trái phép.
Nhiều người dân xã Cẩm Đình cho hay, việc “cát tặc” lộng hành trên địa bàn diễn ra đã nhiều năm, đến giờ vẫn không có dấu hiệu giảm mà còn hoạt động tấp nập hơn. Trước tình trạng này, người dân đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Tại bờ đập thôn Cựu Đình, xã Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ, nhóm phóng viên ghi nhận có 3 tàu cuốc khổng lồ đang nổ máy ngang nhiên hút cát dưới lòng sông Hồng mà không hề bị lực lượng chức năng kiểm tra xử lý. Hàng trăm người dân trong thôn đứng trên bờ đập quay video, bàn tán và bày tỏ bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Nhự (77 tuổi, ở cụm 1, thôn Cựu Đình) cho biết: “Khoảng 3 tháng trở lại đây, các tàu “cát tặc” tụ tập hoạt động ngang nhiên, hút cát từ 4 giờ sáng cho tới 20 giờ tối hàng ngày. Hút từ tàu cuốc lên, họ bán cát luôn trên sông”.
Theo ông Nhự, với tốc độ hoạt động như thời gian qua, chẳng mấy nữa mà đất đai, nhà cửa của người dân trong thôn cũng sụt lở theo dòng nước.
Ông Lê Hữu Hồng, nguyên Chủ tịch MTTQ xã Cẩm Đình cũng bức xúc không kém: “Có thể gọi nạn “cát tặc” đang hoành hành tại xã Cẩm Đình giống như “giặc” vậy. Nhà nước mới xây dựng tuyến kè, đập thì đến bây giờ chân kè đã bị hở hàm ếch, trong khi mùa mưa lũ đã đến gần. Các tàu “cát tặc” tập trung ở đây không chỉ hút cát bề mặt lòng sông, mà còn cắm gầu thục xuống hút cát vàng dưới đáy sâu khoảng 25 - 30m. Mấy hôm trước, ở đoạn tuyến sông này có đến cả trăm tàu cuốc. Có thể họ thấy “động” nên hôm nay chỉ còn lại vài tàu”.
Cũng theo ông Lê Hữu Hồng, chứng kiến cảnh “cát tặc” ngang nhiên lộng hành, ông đã nhiều lần điện thoại báo cho lực lượng cảnh sát đường thuỷ. “Khi tàu cảnh sát đường thuỷ đến cũng chỉ chạy lòng vòng bắt mấy cái sà lan, thuyền nhỏ còn tàu cuốc thì không bị xử lý. Khi họ về thì “đâu lại vào đấy”.
Bà Nguyễn Thị Vẽ (72 tuổi), nhà sát bờ sông phản ánh: “Hàng ngày chứng kiến cảnh đó mà chúng tôi không biết kêu ai, vì chẳng thấy lực lượng nào ra xử lý, bắt giữ cả. Hôm rồi hàng chục hộ đã kéo nhau lên gặp Chủ tịch huyện và đề nghị huyện phải vào cuộc dẹp bỏ để người dân yên tâm”.
Sau khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung xem clip “cát tặc” lộng hành gần tàu cảnh sát (sáng ngày 5/7), đến nay (10/7) các tàu khai thác cát vẫn nghênh ngang hoạt động ở sông Hồng nhất là đoạn qua các thôn Cẩm Đình, Vân Đình, Cựu Đình. Có đêm lượng tàu hút cát lên tới cả chục chiếc. “Các tàu “cát tặc” cứ hút cát như vậy chả mấy mà thôn làng chúng tôi bị sụt lún…”, một số người dân xã Cẩm Đình bức xúc nói.
Nhiều người dân ở đây cho biết thêm, do tàu “cát tặc” quá lộng hành nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý nên nhiều lần họ đã phải dùng gạch, đá ném, xua đuổi “cát tặc” đi nơi khác.
Chính quyền “bó tay”?
Chiều ngày 10/7 vừa qua, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có buổi làm việc với ông Lê Anh Chiến, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ liên quan đến vấn đề “cát tặc” đang gây nhức nhối trên địa bàn huyện. Ông Chiến cho biết: “Tại địa bàn huyện Phúc Thọ không có một tổ chức, cá nhân nào được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng hiện tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện là có”.
Huyện đã nhiều lần báo cáo lên cơ quan chức năng của Thành phố nhưng khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì các tàu khai thác cát trái phép lại dừng hoạt động. Những năm trước, họ còn khai thác lén lút. Sau Tết Nguyên đán 2018, các tàu khai thác cát xuất hiện càng nhiều và đến cuối tháng 5 đầu tháng 6, họ có biểu hiện khai thác công khai, xâm lấn vào địa giới hành chính của huyện Phúc Thọ. Thậm chí, nhiều lúc có tới 3, 4 tàu cùng khai thác rầm rộ. Ngay sáng 10/7, người dân báo tin họ vẫn khai thác từ khoảng 7h đến 10h và chiều thì dừng.
Theo ông Chiến, cơ quan chức năng đã xác định, thời gian qua Công ty Cổ phần An Thịnh đã có hành vi khai thác cát trái phép bằng tàu hút, máy xúc tại bãi nổi xã Phương Độ (huyện Phúc Thọ). Thời điểm cơ quan chức năng của huyện Phúc Thọ kiểm tra các tàu hút cát trái phép của công ty này thì họ chỉ trình ra giấy phép số 374 được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho khai thác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
“Tôi khẳng định là họ (Công ty Cổ phần An Thịnh – PV) lợi dụng giáp ranh giữa Vĩnh Phúc và Phúc Thọ rồi lén lút khai thác cát trên địa bàn Phúc Thọ. Khi chúng tôi ra kiểm tra, họ chống đối, di dời và chỉ để lại một người lái tàu. Các đối tượng “cát tặc” có cả hệ thống cảnh giới vô cùng phức tạp. Nhiều khi người dân báo lên, chúng tôi xuống đến nơi thì họ đã dừng khai thác, lúc chúng tôi ra về họ tiếp tục”, ông Chiến thông tin.
Theo ông Chiến: “Nếp tập kích các tàu khai thác cát trái phép bất ngờ thì phía huyện Phúc Thọ bị hạn chế về mặt phương tiện đường thủy, do từ chỗ bờ sông Hồng ra đến tàu khai thác cách khoảng 800m đến 1km, chỉ cần có bất kỳ một động tĩnh nào là họ dừng hẳn luôn và nhanh chóng di chuyển đi nơi khác. Do vậy, chúng tôi không bắt được họ”.
Trước thực trạng “cát tặc” đang lộng hành trên địa bàn huyện Phúc Thọ, mong rằng cơ quan chức năng của TP Hà Nội vào cuộc một cách quyết liệt hơn nhằm đảm bảo an ninh trật tự; tránh nguy cơ sạt lở diện tích đất hoa màu của người dân đang canh tác ở bờ sông Hồng; giúp hoạt động giao thông đường thủy qua địa bàn huyện Phúc Thọ trở nên thuận lợi hơn.
Lực lượng chức năng đã lập hồ sơ ban đầu và chuyển Phòng Cảnh sát đường thủy - Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tang vật để tiếp tục xác minh làm rõ và đề xuất xử lý theo quy định pháp luật. |