Câu chuyện xúc động của nữ sinh Hà thành tình nguyện lên đường chống dịch
Nữ sinh trường Đoàn và hành trình trở thành MC VTV Nữ sinh mê tình nguyện, học "cực siêu" trường Kinh tế Nữ sinh xinh đẹp giấu bố mẹ đến tâm dịch Bắc Ninh |
Săn Covid-19
“Tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, số lượng ca nhiễm tăng lên từng ngày tại khắp các địa phương trên cả nước, đe dọa tính mạng của người dân. Cùng với đó là hình ảnh khó khăn, vất vả của những y, bác sĩ, các chiến sĩ công an, biên phòng đang ở tuyến đầu chống dịch. Những hình ảnh này thôi thúc em muốn góp một phần công sức nhỏ bé vào cuộc chiến chống lại “giặc Covid-19” trên các điểm nóng của mọi miền Tổ quốc”.
Đây là những dòng mở đầu trong lá đơn tình nguyện lên đường chống “giặc Covid-19” của Hà Thảo Linh. Ngày 31/5, Linh cùng 49 cán bộ, sinh viên khác của trường Đại học Y Hà Nội lên đường đến với Bắc Ninh. Đến giờ cô gái trẻ đã có gần 15 ngày thực hiện nhiệm vụ ở một trong hai điểm nóng nhất của đợt dịch lần này. Tại đây, đoàn công tác của Linh được phân thành 2 nhóm: Truy vết và đi lấy mẫu. Linh thực hiện nhiệm vụ ở cả hai nhóm.
Hà Thảo Linh (bên phải) hỗ trợ dán băng dính cho đồng đội |
Một ngày làm việc của Linh bắt đầu từ sáng sớm. Cô gái trẻ cùng các thành viên khác trong đội thực hiện nhiệm vụ truy vết các trường hợp F1, F2 mỗi khi có ca F0 xuất hiện. Theo Linh, bên cạnh công tác lấy mẫu, xét nghiệm thì việc truy vết, điều tra dịch tễ các ca bệnh cũng được coi là một trong những biện pháp quan trọng và mang tính chiến lược để cắt đứt đường lây truyền của virus SARS-CoV-2. Bởi, bản chất của vấn đề truy vết chính là xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh, xác định những người có yếu tố nguy cơ về lây nhiễm dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng sẽ đưa ra những quyết định khoanh vùng, cách ly kịp thời.
“Việc gọi điện thoại truy vết tưởng chừng như đơn giản nhưng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng vừa phải nhanh nhạy vừa phải khéo léo. Chúng mình phải làm sao dự đoán và gợi hỏi để các trường hợp F0, F1, F2 khai cho đúng. Bên cạnh đó, người truy vết phải có câu hỏi để họ nhớ, hiểu; Có như vậy, họ mới trả lời”, Linh tâm sự.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Hà Thảo Linh cùng các sinh viên khác của trường Đại học Y Hà Nội vẫn luôn lạc quan, kiên cường chống dịch |
Sau khi đã nắm được thông tin người bệnh tiếp xúc với ai, đi đâu, làm gì, đội của Linh sẽ đề xuất những khu vực cần khoanh vùng, cách ly. Việc dập dịch yêu cầu phải “truy vết thần tốc" nên đây là áp lực không nhỏ với Linh và nhiều thành viên khác.
Gần dân, ấm tình đồng đội
Ngoài nhiệm vụ truy vết, bất cứ khi nào đội lấy mẫu cần Linh không ngần ngại lên đường. Công việc này, cô gái trẻ thường làm từ làm từ 5 giờ chiều.
“Việc lấy mẫu của chúng mình thường kết thúc vào lúc 10 giờ đêm. Tuy nhiên, có những hôm số lượng người cần lấy mẫu nhiều thì 1 - 2 giờ sáng chúng mình mới hoàn thành để trở về phòng nghỉ ngơi”, Linh cho biết.
Giữa đêm hè tháng 6 oi ả, khi mọi người đang say giấc, tận hưởng làn gió mát lạnh trong căn phòng điều hòa, thì ở nơi đây, Linh cùng nhiều cán bộ y tế và bạn trẻ khác phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân, mồ hôi ướt đẫm. Có người ví von rằng, mùa hè mặc đồ bảo hộ chẳng khác gì đang ở phòng xông hơi. Chỉ đứng thôi cũng đã thấy mệt, huống hồ gì là vận động. Một số người bạn của Linh chưa quen nên có phần mệt mỏi.
Lá đơn tình nguyện lên đường chống dịch của Hà Thảo Linh |
Tuy nhiên, chính trong gian khó Linh càng cảm thấy gần gũi với người dân, san sẻ khó khăn với bạn bè. “Đi lấy mẫu, chúng mình thường phải di chuyển bằng ô tô vì địa điểm xa. Trong đoàn của mình có một bạn nữ say xe nên hay bị mệt mỏi. Khi đó, cả đội xúm lại hỗ trợ bạn ấy để đảm bảo hoàn thành những phần việc được giao”, Linh kể.
Cũng trong những ngày ở tâm dịch, để giúp nhau cùng vượt qua khó khăn Linh và bạn bè vẫn có những buổi sinh nhật ấm cúng. Quà sinh nhật là những món đồ handmade còn bánh kem chính là hoa quả, bánh kẹo các cô chú ở địa phương đem tặng.
Chỉ đơn giản như vậy, Linh và cả đội lại có thêm năng lượng để tiếp tục chiến đấu, hỗ trợ tích cực lực lượng y tế tỉnh Bắc Ninh đẩy lùi dịch bệnh. Dù làm nhiệm vụ ở đây gần 15 ngày, Linh và các thành viên khác vẫn chưa biết ngày trở về. Họ sẽ luôn có mặt hỗ trợ Bắc Ninh đến khi hết dịch.
“Ngày mình viết đơn tình nguyện lên đường, bố mẹ rất lo lắng, thậm chí còn phản đối. Khi đó, mình đã phải thuyết phục và hứa sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân. Đến bây giờ mình vẫn giữ lời hứa đó để tiếp tục làm việc, cống hiến. Là một cán bộ y tế trong tương lai, đây cũng là cơ hội để mình thực hành kiến thức trên giảng đường, tích lũy kinh nghiệm để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân”, Linh tâm sự.