Cây đổ có phải lỗi do cây?
Cây xanh là một phần không thể thiếu tạo nên cảnh quan sáng - xanh - sach - đẹp của trường học
Bài liên quan
Mưa dông khiến nhiều cây xanh trên đường phố Đà Nẵng đổ gãy
Nhiều địa phương tại Hà Nội bị thiệt hại nặng vì dông lốc
Hà Nội: Xử lý nghiêm vi phạm làm ảnh hưởng đến cây xanh trong quá trình thi công hè đường
Đó là chia sẻ của cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xung quanh đề tài “cây xanh trường học” đang thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận những ngày gần đây.
Nhiều cây xanh bị chặt hạ không thương tiếc khiến cộng đồng mạng xót xa... |
Đừng quá cứng nhắc
Phượng vĩ vốn là loài cây gắn liền với kỷ niệm tuổi học trò. Tuy nhiên, mùa phượng vĩ chưa bao giờ lại buồn như năm nay. Nguyên nhân bởi những ngày qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn trong trường học bắt nguồn từ cây phượng vĩ.
Sáng 26/5, cây phượng trong sân trường THCS Bạch Đằng, Quận 3, TP Hồ Chí Minh bật gốc đè 18 học sinh, khiến 17 em bị thương nặng và một em tử vong. Thật đáng buồn khi cây phượng từng gắn bó với học sinh của trường lại là nỗi buồn, sự ám ảnh, khi mà các em chứng kiến các bạn bị tai nạn.
Tiếp đó, ngày 28/5, một cây phượng khác đổ trong trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
Chiều tối cùng ngày, trong cơn mưa kèm gió mạnh, một cây phượng đã đổ gẫy gần cổng cơ sở 2 của trường Đại học Văn hóa TP HCM. Cây phượng vĩ cao hơn 10m, thân có đường kính chừng 40cm đã đè trúng chiếc xe tải đỗ kế bên, làm hư hỏng nhẹ. May mắn là không có người qua lại nên không có người bị thương.
Ngày 29/5, lại một cây phượng 15 năm tuổi cao khoảng 10m bất ngờ bật gốc, đổ xuống sân trường Tiểu học Thái Hòa, thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Rất may, vụ việc không có thương vong. Mới đây, vào chiều 30/5, cây phượng cao to trong khuôn viên trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) bật gốc, may mắn xảy ra vào thứ Bảy lúc học sinh nghỉ học…
Trước tình trạng cây phượng ngã đổ bật gốc liên tục trong những ngày gần đây, nhiều trường học bắt đầu chặt cây khiến sân trường trở lên trống vắng, thiếu đi những bóng cây gắn liền với tuổi học trò.
Việc trường học nhanh chóng đốn hạ cây xanh khiến cộng đồng mạng không khỏi tiếc nuối. Chị Nguyễn Thu Thủy bày tỏ: "Còn gì là trường học nếu không rợp bóng mát cây xanh? Có phải chúng ta quá cứng nhắc khi một vài cây đổ lại đi đốn hạ tất cả các cây còn lại. Tính mạng con người vẫn là quan trọng nhất nhưng cũng đừng quá cứng nhắc”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Minh (ở Hà Nội) cũng cho rằng, việc đảm bảo an toàn cho học sinh phải đặt lên hàng đầu nhưng trước khi chặt hạ, chúng ta nên đánh giá mức độ an toàn. “Trồng được cây xanh chẳng dễ dàng gì, nếu cứ chặt hạ vội vàng như vậy thật quá đáng tiếc!”, anh Minh bày tỏ.
Cây xanh cũng như cơ thể của chúng ta, để khỏe mạnh cần phải thường xuyên được kiểm tra, chăm sóc |
Bảo vệ cây xanh trường học, phải thường xuyên kiểm tra và chăm sóc
Chia sẻ quan điểm về cây xanh trường học và sự an toàn của học sinh, cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhận định: Cây là lá phổi của chúng ta, bảo vệ cây xanh cũng chính là bảo vệ lá phổi. Trường học phải có cây xanh mới tạo được môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
“Cây đổ không phải lỗi do cây. Chúng ta đừng nên để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Phải thường xuyên kiểm tra, chăm sóc, bảo vệ cây mới tươi tốt, khỏe mạnh”, cô Lý nhấn mạnh.
Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du cũng cho biết, nhà trường thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá cây xanh, phun thuốc diệt côn trùng, sâu bệnh, cắt tỉa cây.
“Trước đây, nhà trường đã làm cột chống bằng gỗ để bảo vệ cây. Tuy nhiên, để ứng phó với mùa mưa bão năm nay, chúng tôi đang tiến hành thay thế các khung gỗ bằng khung sắt để bảo đảm an toàn hơn”, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Nhận định việc rà soát, đánh giá cây xanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quận Hoàn Kiếm cũng đã lên kế hoạch từ rất sớm yêu cầu các nhà trường kiểm tra cây xanh, cắt tỉa, đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa mưa bão để đảm bảo an toàn cho học sinh tại trường học.
Chia sẻ với phóng viên, bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết, không phải đợi đến khi xảy ra tai nạn liên quan đến cây xanh trường học ở TP Hồ Chí Minh và Hải Dương mà việc kiểm tra, rà soát cây xanh mới được phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm chỉ đạo đến các nhà trường. Công việc này được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Là quận trung tâm của Thủ đô với 29.570 học sinh ở 3 cấp học (mầm non, tiểu học, THCS), các trường học ở quận Hoàn Kiếm có đặc thù riêng về quỹ đất eo hẹp, diện tích nhỏ. Chính vì vậy, số lượng cây xanh lâu năm không quá nhiều.
Lãnh đạo phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm đã nhanh chóng kiểm kê các trường học thuộc cấp quản lý của phòng trên toàn quận có 87 cây xanh. Hai trường nhiều cây xanh lâu năm nhất là trường Mầm non chất lượng cao 20/10 và THCS Trưng Vương.
Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm thông tin: “Qua kiểm tra, rà soát, các đơn vị chức năng đánh giá, có 3/87 cây xanh được khuyến cáo nên chặt hạ. Các trường đã cho quây khu vực bảo vệ. Quan điểm của quận là luôn đặt sự an toàn, tính mạng của học sinh lên hàng đầu tuy nhiên cũng không vì thế mà chặt hạ cây bằng mọi cách nếu không thực sự nguy hiểm. Việc chặt hạ sẽ được các đơn vị chuyên môn đánh giá kỹ càng và triển khai nếu cần thiết”.