Chấn chỉnh công tác quản lý lái xe thông qua thiết bị giám sát hành trình
Kịp thời phát hiện các vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có 5 loại hình vận tải là hợp đồng, tuyến cố định, taxi, du lịch và xe buýt, đòi hỏi cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát các hoạt động. Để quản lý, giám sát hành trình hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, cần thiết phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với phương tiện kinh doanh vận tải.
Khi lắp thiết bị giám sát hành trình, mọi dữ liệu, hình ảnh trong suốt quá trình phương tiện tham gia lưu thông sẽ được truyền về máy chủ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải và cơ quan chức năng. Từ hình ảnh ghi lại ở thiết bị giám sát sẽ giúp cơ quan chức năng, doanh nghiệp kiểm soát được hoạt động của tài xế và nhân viên.
Việc triển khai camera giám sát hành trình vừa giúp các đơn vị quản lý kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ như không chấp hành tín hiệu đèn giao thông; Chạy lấn làn, vượt ẩu; Nghe điện thoại trong khi lái xe; Chở khách quá số người quy định… để làm cơ sở xử lý vi phạm. Đồng thời, thông qua hình ảnh thiết bị giám sát ghi lại sẽ giúp cơ quan nhà nước có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế tai nạn, giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.
Việc triển khai camera giám sát hành trình giúp các đơn vị quản lý kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ |
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng một số đơn vị kinh doanh vận tải không nghiêm túc thực hiện quy định về truyền dữ liệu, thời gian làm việc của lái xe… từ camera giám sát hành trình cho cơ quan quản lý. Vì vậy, việc tăng cường quản lý đối với các đơn vị kinh doanh vận tải là rất cần thiết.
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I/2023, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, tính đến hết tháng 3/2023, cả nước có 939.308 phương tiện ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp thiết bị giám sát hành trình, truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam.
Thống kê trên hệ thống cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có tổng số 3,03 triệu lần vi phạm tốc độ, vi phạm tốc độ tính trên 1.000km xe chạy là 0,81 lần, giảm 1,82 % so với cùng kỳ năm 2022.
Qua trích xuất dữ liệu giám sát hành trình, các sở giao thông vận tải đã xử lý, thu hồi phù hiệu 3.124 phương tiện (đối với các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000 km trở lên/tháng); Chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 8.361 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu.
Bên cạnh đó, các sở đã tra cứu, cung cấp dữ liệu của phương tiện theo yêu cầu của công an để phục vụ điều tra và bảo đảm an toàn giao thông.
Xử phạt nghiêm đối với những vi phạm
Thông thường, mỗi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đều có những nội quy hoạt động, đặc biệt những quy định nghiêm ngặt đối với lái xe nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên, tình trạng tài xế chạy ẩu, có thái độ chưa đúng mực với hành khách, nhồi nhét khách, đón trả khách sai quy định… vẫn xảy ra. Do đó, thiết bị giám sát hành trình giúp ích rất nhiều trong việc quản lý của doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Thiết bị này không chỉ lưu trữ thông tin về hành trình của xe mà còn lưu trữ đầy đủ tốc độ của xe trong suốt hành trình; Cung cấp thông tin về lái xe, số lần, địa điểm và thời gian xe dừng, đỗ... Từ khi lắp thiết bị giám sát hành trình trên các xe, bản thân tài xế cũng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, chất lượng phục vụ hành khách cũng tăng lên đáng kể.
Do đó, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách hoàn toàn nhất trí với chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trong việc kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với những vi phạm (nếu có) của đơn vị kinh doanh vận tải khi không thực hiện quy định về truyền dữ liệu, thời gian làm việc của lái xe…
Cần chấn chỉnh công tác quản lý lái xe thông qua thiết bị giám sát hành trình |
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội Bùi Danh Liên cũng cho rằng: Nhiều người chỉ biết đến lợi ích của camera hành trình là quay video ghi lại hành trình xe chạy hoặc theo dõi hành khách trên xe mà không biết rằng, việc lắp camera còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác.
Điển hình, camera hành trình còn có tác dụng dẫn đường, trợ giúp cảnh báo tai nạn giao thông, dùng làm chứng cứ xác thực bảo vệ tài xế trước những sự cố giao thông…
Bám sát Văn bản số 813/SGTVT-QLVT, Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm các điều kiện, quy định trong hoạt động vận tải. Mặt khác, hiệp hội cũng khẩn trương tự rà soát, bổ sung hoàn thiện các điều kiện và thực hiện các quy định trong quản lý hoạt động vận tải còn thiếu sót tại đơn vị.
Đặc biệt, Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội luôn nhắc nhở, chấn chỉnh các lái xe, bộ phận theo dõi an toàn giao thông thực hiện đầy đủ các quy định, không để xảy ra vi phạm truyền dữ liệu về Sở, lái xe làm việc quá thời gian quy định, vi phạm tốc độ… ; Tập trung nhắc nhở đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện vi phạm nhiều lần. Tham mưu cơ quan quản lý nhà nước thu hồi biển hiệu, phù hiệu và đề xuất xử lý đối với các trường hợp vi phạm khác.