Chi tiết 5 phương thức tuyển sinh của trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Trường Đại học Giáo dục dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển |
Thông tin được đưa ra tại chương trình Tư vấn tuyển sinh năm 2021 do Hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp với Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức.
5 phương thức xét tuyển
Th.S Nguyễn Văn Linh - Phó Trưởng phòng Quản lí Đào tạo và Công tác học sinh sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, các phương thức tuyển sinh của trường năm nay bao gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT; Xét tuyển dựa vào Chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế bậc 3 hoặc tương đương trở lên (tính đến thời điểm nộp hồ sơ còn thời gian sử dụng theo quy định); Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển dựa vào kết quả bài đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập học kì 1 lớp 12 ở bậc THPT và tương đương.
Chương trình Tư vấn tuyển sinh do HOCMAI phối hợp với Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức |
“Thí sinh cần lưu ý, khi xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đối với các ngành sư phạm, để đạt được đủ điều kiện trúng tuyển thì các em phải có 1 trong 2 điều kiện, đó là học lực lớp 12 phải đạt loại giỏi, hoặc điểm xét Tốt nghiệp THPT đạt tối thiểu 8 điểm trở lên”, Th.S Nguyễn Văn Linh thông tin thêm.
Với thí sinh xét tuyển bằng học bạ, điều kiện để các bạn nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển là phải có điểm trung bình các môn có trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 8 điểm trở lên. Để đạt điều kiện trúng tuyển, các bạn vẫn cần phải có đủ 1 trong 2 điều kiện giống với phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế.
Nhà trường chỉ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia HN tổ chức, và mức điểm tối thiểu các bạn phải đạt để có thể nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển là 6.5 điểm (theo thang điểm 10).
Th.S Nguyễn Văn Linh chia sẻ, trong đề án tuyển sinh năm 2021, nhà trường đã công bố điểm trúng tuyển của 3 năm gần nhất tạo điều kiện giúp các em tham khảo và so sánh dễ dàng hơn.
Theo đó, năm 2020, phổ điểm trúng tuyển của các ngành đào tạo trong trường khá rộng, để có mức điểm trúng tuyển vào trường thì trung bình mỗi môn dao động trong khoảng 7 - 8,5 điểm.
Nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có bề dày hơn 60 năm lịch sử (tiền thân là trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội). Trước đây, trường chỉ đào tạo các ngành sư phạm, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu xã hội, nhà trường đã mở và đào tạo thêm các ngành như: Logistics và quản lí chuỗi cung ứng, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ, du lịch và lữ hành, Công nghệ thông tin, Luật... Với tổng số 23 ngành đào tạo và 1 ngành đào tạo sau đại học, trường đã và đang thực hiện đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố Hà Nội và cho các khu vực lân cận.
Đối với ngành Công nghệ thông tin, TS. Hoàng Thị Mai - Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên và Công nghệ cho biết, trường đã đào tạo ngành này 20 năm và có nhiều mối liên kết với những doanh nghiệp lớn trong việc hợp tác đào tạo như: FPT và các doanh nghiệp liên quan đến lập trình hay viễn thông. Bên cạnh đó, mạng lưới cựu sinh viên thành đạt cũng sẵn sàng quay lại và hỗ trợ cho sinh viên đang học tại trường. Điều này góp phần đảm bảo khi ra trường, sinh viên có thể tham gia ngay vào thị trường lao động ngành Công nghệ thông tin.
Thầy cô và sinh viên khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 |
Với những học phần có tính thực hành nghề nghiệp cao như Quản trị khách sạn hay Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, trong quá trình đào tạo, nhà trường sẽ đưa sinh viên đi học nghiệp vụ trực tiếp tại các khách sạn, nhà hàng như J.W Marriott, Melia, Pan Pacific...
Đối với ngành Sư phạm, nhà trường có mối liên kết với các trường song ngữ, trường chất lượng cao, tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường thực hành, thực tập tốt nhất.
Cũng tại buổi tư vấn, PGS.TS Vũ Công Hảo - Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên khi theo học một số ngành đào tạo mới của nhà trường
Theo đó, PGS.TS Vũ Công Hảo chia sẻ, với kiến thức được trang bị, cùng với sự am hiểu sâu sắc về đời sống chính trị xã hội trong nước và quốc tế, sinh viên theo học ngành Chính trị học khi ra trường có thể làm chuyên viên tại tất cả các hệ thống cơ quan, tổ chức đoàn thể thuộc hệ thống chính trị xã hội của đất nước. Các bạn cũng có thể trở thành phóng viên, biên tập viên, bình luận viên trong các cơ quan báo chí địa phương và trung ương. Nếu sinh viên có ý thức tiếp tục củng cố, rèn luyện về tư tưởng bản lĩnh chính trị thì có thể trở thành giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng. Sinh viên có tài năng, có trình độ có thể trở thành các chính trị gia.
Ngoài ra, nhà trường còn đào tạo ngành Giáo dục đặc biệt. Đây là ngành học khá vất vả, cần những người có tình yêu thương, có lòng trắc ẩn, muốn đóng góp sẻ chia để giúp đỡ trẻ em tự kỉ hay những người mắc các căn bệnh bẩm sinh về trí tuệ sớm được hòa nhập với cộng đồng. Sinh viên học ngành Giáo dục đặc biệt thường có công việc và được mời chào ngay từ khi các em còn chưa ra trường. Ý thức được điều này, khoa thường liên hệ chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Trung tâm giáo dục hòa nhập đặc biệt của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam để thường xuyên cho sinh viên được làm quen, học tập, rèn luyện các kĩ năng nghề ngay từ đầu.