Trường Đại học Giáo dục dự kiến tăng chỉ tiêu xét tuyển
Trường Đại học Thủy lợi tiếp tục mở kênh xét tuyển trực tuyến 3,7 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm giáo dục |
Dự kiến tăng chỉ tiêu và xét tuyển bằng kết quả thi năng lực
Năm 2021, việc tuyển sinh của nhà trường cơ bản vẫn thực hiện theo phương thức tuyển sinh năm 2020. Tuy nhiên nhà trường có bổ sung thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cụ thể năm nay nhà trường có 5 phương thức tuyển sinh: Phương thức 1: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT); Phương thức 2: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội; Phương thức 3: Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế (A-level; SAT; IELTS; ACT);
Phương thức 4: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Phương thức 5: Xét tuyển theo kết quả bài thi Đánh giá năng lực năm 2021 của Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, việc xét tuyển bằng kết quả này chỉ được thực hiện ở 3 nhóm ngành: GD3 (Khoa học Giáo dục và khác), GD4 (Giáo dục tiểu học), GD5 (Giáo dục mầm non). Nhà trường dành 10-15% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức này.
HOCMAI phối hợp với Trường Đại học Giáo dục trong chương trình Tư vấn tuyển sinh 2021 |
Riêng với Giáo dục mầm non, đây là một bậc học đặc thù, do đó, nhà trường tổ chức đánh giá năng khiếu. Thí sinh không bắt buộc phải có kết quả đánh giá năng khiếu trước khi đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, thí sinh được công nhận trúng tuyển khi đáp ứng đồng thời các tiêu chí, đó là phải “đạt” điểm chuẩn hoặc quy định xét tuyển theo từng phương thức và phải đạt bài đánh giá năng khiếu.
PGS.TS Phạm Văn Thuần - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục chia sẻ, theo dự kiến, năm 2021 trường Đại học Giáo dục xét tuyển khoảng 1000 chỉ tiêu, tăng so với năm 2020, trường xét tuyển 965 chỉ tiêu. Trong đó, nhà trường dành 90% cho thí sinh xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021, và khoảng 10% xét tuyển và tuyển thẳng theo các phương thức khác.
Ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào có sự chênh lệch giữa các ngành khác nhau. Năm 2020, ngành cao điểm nhất là Giáo dục Tiểu học với gần 25 điểm, ngành thấp nhất là 17,5 điểm. Do đó, thí sinh có thể dựa vào năng lực của mình để đăng kí vào những ngành phù hợp nhất.
Ngoài ra, các em có thể tìm hiểu thêm trong đề án tuyển sinh và thông tin cụ thể trên website của nhà trường để biết rõ thêm về các thông tin tuyển sinh khác như gưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điều kiện nhận hồ sơ ĐKXT cho từng phương thức xét tuyển…
Sinh viên có thể được thực tập trong năm học đầu tiên
Cũng tại buổi tư vấn, Tiến sĩ Lê Thái Hưng - Chủ nhiệm khoa Quản trị chất lượng Đại học Giáo dục cho biết, nhà trường luôn chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp của sinh viên trong 4 năm học, với mục đích mỗi năm học, sinh viên sẽ không chỉ tích lũy về mặt kiến thức mà còn là kĩ năng, sự hiểu biết về nghề nghiệp trước khi tốt nghiệp, đảm bảo sau khi ra trường các em có thể hòa nhập nhanh với môi trường công việc.
Ví dụ, với sinh viên sư phạm, ngay những năm đầu tiên, xen kẽ với quá trình học tập, các em sẽ tham gia một số hoạt động ở các trường phổ thông như tham gia các giờ sinh hoạt ngoại khóa, thăm lớp dự giờ…
Với ngành Quản trị chất lượng giáo dục, ngay trong những năm đầu tiên, sinh viên có thể tham gia hoạt động thực tập tại các phòng ban của các khoa, vừa giúp các em tăng vốn hiểu biết, sự trải nghiệm nghề nghiệp, và đồng thời có thêm nguồn thu nhập nhất định.
Bên cạnh đó, các địa điểm như Viện đảm bảo chất lượng Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm khảo thí… cũng là những cơ sở sẵn sàng tiếp nhận sinh viên ghé thăm và tham gia cộng tác.
Trường hiện có 12 câu lạc bộ sinh viên, bao gồm các câu lạc bộ tình nguyện, âm nhạc, thể thao,… bên cạnh đó là các câu lạc bộ chuyên sâu về chuyên môn như clb về khởi nghiệp, tiếng Anh hay nghiên cứu khoa học. Hầu hết các câu lạc bộ này đều có sự dẫn dắt bởi các giảng viên, chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực.
Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng đến các hoạt động chuyên sâu mang tính chất tham vấn cho sinh viên trong quá trình học tập, đặc biệt là những sinh viên năm thứ nhất, khi quá trình chuyển cấp từ giáo dục phổ thông lên giáo dục đại học còn nhiều bỡ ngỡ. Nhà trường có trung tâm chuyên nghiên cứu về lĩnh vực tâm lí, tư vấn học đường cho sinh viên và thường xuyên theo dõi, hỗ trợ các vấn đề khó khăn mà sinh viên gặp phải.
Tại Đại học Giáo dục, sinh viên theo học ngành sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền học phí và sinh hoạt phí. Thủ tục, tiêu chuẩn được hỗ trợ thực hiện theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, sinh viên được tiếp cận các quỹ học bổng của trường, của Đại học Quốc gia Hà Nội và các nhà tài trợ khác nhau với nhiều mức khác nhau.