Chiến dịch xét nghiệm diện rộng "đánh nhanh thắng nhanh" của Hà Nội
Sự cần thiết của việc xét nghiệm diện rộng
Phân tích lý do thực hiện thần tốc xét nghiệm diện rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, biến thể Delta lần này có đặc điểm sinh học rất khác biệt so với các biến chủng trước đây, nồng độ virus trên dịch hầu họng của bệnh nhân mắc biến thể này cao gấp 1.000 lần so với các biến thể trước đó.
Đồng thời, tỉ lệ lây nhiễm bệnh rất cao, một người có thể lây sang 9-10 người, chu kỳ lây nhiễm ngắn, chỉ sau 48 giờ nhiễm, lượng virus đã có thể phát triển rất nhanh và lây cho người khác. Đặc biệt, trong thực tế, bệnh nhân có thể lây cho người khác mà không có dấu hiệu triệu chứng.
Chính vì vậy, để nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, không để tình trạng giãn cách kéo dài trên diện rộng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã có hướng dẫn tất cả các đơn vị triển khai thần tốc xét nghiệm trên diện rộng, để phát hiện, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, từ đó cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hạn chế phong tỏa hay giãn cách kéo dài trên diện rộng, đồng thời thực hiện chăm sóc điều trị người bệnh một cách phù hợp.
Hướng dẫn mới nhất (ngày 15/9) của Bộ Y tế về xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch khi giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội, tiếp tục nhấn mạnh, thần tốc xét nghiệm là then chốt, quan trọng nhằm sớm kiểm soát dịch.
Huyện Thanh Trì tiến hành lấy mẫu xét nghiệm virus SARS- CoV-2 cho nhóm người có nguy cơ cao. |
Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ (TTND. BS) Trần Sĩ Tuấn đã có bài viết đăng trên trang cá nhân và thể hiện quan điểm riêng của tác giả về việc đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng
TTND. BS Trần Sĩ Tuấn cho biết: “Thành phố Hà Nội đã xét nghiệm được 3,2 triệu mẫu, trong đó 2,2 triệu mẫu gộp RT-PCR, 1 triệu mẫu test nhanh. Kết quả, phát hiện được 19 F0. Khi thông báo số liệu trên, lập tức có một làn sóng chỉ trích trên cộng đồng mạng cho rằng, như thế là quá lãng phí”.
Trước những ý kiến trái chiều, bác sĩ Tuấn khẳng định, Hà Nội xét nghiệm toàn dân để phòng dịch, điều này tiết kiệm hơn nhiều phải chống dịch. Hà Nội xét nghiệm diện rộng khoảng 3,3 triệu mẫu ở 3 nhóm “đỏ, da cam, xanh". Covid-19 với virus SARS-CoV-2 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và lây nhiễm rất nhanh, nhất là với biến chủng Delta. Vì thế, 19 F0 không đơn thuần là 19 ca mắc Covid-19 mà là 19 nguồn lây.
Với biến chủng Delta R0 = 7 và chu kỳ lây nhiễm rất ngắn, chỉ có 2 ngày, nếu chúng ta không phát hiện và khống chế sớm thì chỉ trong vòng 1 tháng thôi, sẽ có trên 1 triệu người ở Thủ đô trở thành F0.
TP HCM là một bài học xương máu cho vấn đề này. Ban đầu, TP cũng chỉ có vài nguồn lây, nhưng do không xét nghiệm kịp thời để khoanh vùng hẹp dập dịch, hậu quả như thế nào thì ai cũng biết, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại.
Xét nghiệm toàn dân để phòng tiết kiệm hơn nhiều phải chống dịch
Bác sĩ Tuấn cũng khẳng định chỉ có xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, mở rộng vùng xanh, kèm theo phủ vắc xin thần tốc thì mới gỡ được phong tỏa, từng bước đưa Thủ đô của chúng ta trở về trạng thái bình thường mới.
“Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn Covid-19 ra khỏi đời sống nhưng trong quá trình buộc phải sống chung đó, virus SARS-CoV-2 luôn luôn tìm mọi cách tấn công vào tế bào phổi của chúng ta để tồn tại và phát triển, gây nên chết chóc và thương đau cho loài người. Vì vậy, chúng ta sống chung nhưng phải là an toàn nhất. Để làm được điều ấy, chúng ta cần áp dụng mọi biện pháp, trong đó có giãn cách xã hội theo từng mức độ.
Có rất nhiều người đòi dỡ bỏ các biện pháp giãn cách khi dịch đang diễn biến rất phức tạp nhưng khi tôi hỏi lại làm thế nào để dỡ bỏ phong tỏa mà an toàn cho người dân thì lại không trả lời được hoặc trả lời loanh quanh, cũ rích kể cả các chuyên gia. Nếu TP HCM mà không có lực lượng quân đội giúp sức, không giãn cách triệt để hơn, không có 20.000 bác sĩ và nhân viên y tế với những trang thiết bị máy móc tối tân nhất của cả nước chi viện thì tôi trên 1/3 dân số bị lây nhiễm và gần nửa triệu người tử vong rồi.
Như vậy, rõ ràng chiến dịch xét nghiệm của Hà Nội là đúng và rẻ hơn rất nhiều nếu ta không xét nghiệm (có thể chúng ta không thể bóc F0 ra khỏi cộng đồng hoàn toàn nhưng cũng đã khống chế dịch hiệu quả, không cho bùng phát). Trong vấn đề này, các nhà khoa học, các chuyên gia có thể bàn sâu hơn, giúp cho Hà Nội, cho cả nước về việc xét nghiệm thế nào để tiết kiệm và đạt hiệu quả cao”, TTND. BS Trần Sĩ Tuấn chia sẻ.
Quận Hoàng Mai thực hiện xét nghiệm tại từng tầng của các chung cư đảm bảo giãn cách 5K |
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết, xét nghiệm thần tốc diện rộng sẽ đánh giá được tình hình dịch tễ, mức độ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng tại thời điểm đó. Tại Hà Nội, việc thực hiện xét nghiệm thần tốc diện rộng khi đang giãn cách nhằm khẳng định dịch thời điểm này đang ở mức độ nào.
“Trong thời gian giãn cách, thực hiện xét nghiệm thần tốc, số ca nhiễm trong cộng đồng ít, dịch không bùng lên, chứng tỏ dịch tại Hà Nội đang được kiểm soát. Song song với việc đẩy nhanh bao phủ tiêm mũi 1 vaccine cho người dân, Hà Nội cần tính toán lại phương án thực hiện giãn cách xã hội đối với từng khu vực”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga phân tích.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công điện số 1409/CĐ-BYT ngày 15/9/2021 về việc xét nghiệm và một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, sáng 18/9, Sở Y tế Hà Nội cũng vừa có công văn đề nghị phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm đúng đối tượng. Đặc biệt, TP rà soát lấy mẫu 100% các đối tượng có các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, rát họng, mệt mỏi, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác: Thực hiện rà soát đúng khu vực, đúng tần suất theo chỉ đạo của Bộ Y tế và các chỉ đạo của thành phố, Sở Y tế...
Các bệnh viện trong và ngoài công lập quyết liệt thực hiện công tác giám sát đối với người bệnh có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19, người đến từ các vùng có dịch hoặc có các yếu tố dịch tễ nguy cơ khác khi tới khám, điều trị, làm việc tại đơn vị...