Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khai bút đầu Xuân tại Hà Nội
Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép mừng Xuân |
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu thực hiện nghi lễ khai bút đầu Xuân năm 2024 tại Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. (Ảnh: TTXVN) |
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn...
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội tại lễ khai bút đầu Xuân tại huyện Thường Tín |
Lễ khai bút đầu Xuân là nét văn hóa đẹp của Thủ đô và đất nước nói chung và vùng đất Danh hương Thường Tín có truyền thống hiếu học, khoa bảng nói riêng. Đây là hoạt động có ý nghĩa như là hiệu lệnh nhắc nhở, thúc giục toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn đề cao việc học, đồng thời khơi dậy khát vọng, thi đua lao động, sản xuất, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đã đề ra.
Các đại biểu Trung ương và thành phố Hà Nội tại lễ khai bút |
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo Trung ương, đại diện người cao tuổi, học sinh địa phương đã thực hiện nghi lễ khai bút đầu Xuân, cùng viết 10 chữ chủ đề trên. Trong đó, Chủ tịch nước đã viết hai chữ "Văn hiến".
Thường Tín mảnh đất giàu về giá trị văn hóa-lịch sử, đất danh hương, đất khoa bảng, trăm nghề, huyện Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Thượng Phúc xưa (Thường Tín ngày nay) một miền quê hun đúc khí thiêng, sinh ra nhiều bậc hiền tài - tuấn kiệt, với 68 nhà khoa bảng (1075-1919) giúp ích cho cơ nghiệp quốc gia, công lao vẻ vang thiên cổ. Tiêu biểu trong đó có Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai sinh năm 1380, con trai thứ hai của cụ Nguyễn Phi Khanh, mẹ là cụ Trần Thị Thái. Từ vùng quê Thượng Phúc, Nguyễn Trãi học hành, rèn chí, luyện tài để giúp nước, cuộc đời của cụ đã đi vào lịch sử dân tộc là một danh nhân văn hóa kiệt xuất, nhà tư tưởng vượt thời đại, nhà chính trị, nhà chiến lược quân sự - ngoại giao, nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn, với phẩm chất đã tạo nên con người “tài, đức” vẹn toàn.
Nguyễn Trãi đem tài năng ý chí cứu nước, cứu dân, cùng Lê Lợi lãnh đạo kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, làm nên thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp Bình Ngô, giành lại độc lập của dân tộc.
Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi là một công trình có ý nghĩa lớn về lịch sử - văn hóa và là nơi giáo dục tinh thần đoàn kết, truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau, là tâm huyết và công sức của cán bộ, Nhân dân Thủ đô và huyện Thường Tín…
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm hỏi cụ Nguyễn Thông, hậu duệ đời thứ 18 dòng họ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Ảnh TTXVN |
Lễ khai bút đầu Xuân là nét văn hóa đẹp của vùng đất Danh hương Thường Tín có truyền thống hiếu học, khoa bảng. Đây là hoạt động có ý nghĩa như là hiệu lệnh động viên, khuyến khích toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn đề cao việc học, thi đua lao động, sản xuất, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh đã đề ra.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi cảm tưởng tại Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Ảnh TTXVN |
Lưu bút của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi:
“Thành kính tưởng nhớ Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi!
Công đức của Người thật lớn lao.
Lời dạy của Người thật sâu sắc.
Tấm lòng của Người thật trong sáng.
Tôi nguyện khắc ghi lời dạy của Người: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, nỗ lực không ngừng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước một lòng phục vụ Nhân dân, xây nền thái bình muôn thuở”.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đại biểu dự lễ khai bút đầu Xuân tại Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi (Ảnh TTXVN) |
Tại Lễ khai bút đầu Xuân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã mừng tuổi, chúc sức khỏe người cao tuổi và các cháu thiếu niên, nhi đồng.
Dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội đã thăm, tặng quà, động viên công nhân, người lao động đang làm việc tại công trường thi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nghe báo cáo về sơ đồ tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (Ảnh: TTXVN) |
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP để triển khai thực hiện.
Dự án có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng và được triển khai thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, bao gồm: 3 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần (Dự án PPP) đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà cho công nhân thi công tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (Ảnh: TTXVN) |
Xác định đây là dự án quan trọng quốc gia, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo và sự vào cuộc các Sở, ngành, địa phương cũng như cả hệ thống chính trị, đến nay trên địa bàn ba tỉnh, thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đã ổn định tổ chức và huy động đầy đủ 100% nhân lực, máy móc để thi công đồng loạt trên toàn tuyến đường.