Chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ sau nếu không có chính sách chống lãng phí nguồn nhân lực
Tạo nguồn nhân lực trẻ chất lượng Nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực |
Nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nêu thực tế: Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hùng hậu là 51,5 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 67% và tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ mới đạt 27%.
Khẳng định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản quyết định năng suất lao động, mà năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia, đại biểu trăn trở: “Nếu chúng ta không có chính sách để tận dụng thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng thì đây sẽ là lãng phí rất lớn, có tác động tiêu cực về nhiều mặt và kéo dài qua nhiều thế hệ”.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa |
Để minh chứng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa dẫn số liệu năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc mỗi năm cả nước có 38% sinh viên mới ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, có 60% làm trái ngành. Đại biểu đánh giá, việc sinh viên dành từ 4 đến 6 năm học đại học cho một chuyên ngành nhưng sau đó một tỷ lệ không nhỏ lại làm việc ở một lĩnh vực khác là sự lãng phí lớn cho bản thân sinh viên và gia đình, cho doanh nghiệp và xã hội.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cả nước đang thiếu hơn 100 nghìn giáo viên thì tình trạng bỏ nghề của nhà giáo là hồi chuông báo động về việc sử dụng, đãi ngộ đối với các thầy cô. Đây tiếp tục là một sự lãng phí lớn khác về khía cạnh kinh tế, xã hội, có tác động về nhiều mặt, trong đó có cả về niềm tin yêu, sự tự hào đối với nghề cao quý này.
“Thời kỳ dân số vàng là giai đoạn chỉ có một lần trong quá trình phát triển của một quốc gia. Ở nước ta, kỳ dân số vàng dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2038. Theo quy luật nhân khẩu học, khi kết thúc thời kỳ “dân số vàng” cũng là giai đoạn chuyển sang thời kỳ “dân số già”. Vì vậy, phải phát huy tối đa lợi thế dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội, chủ động tích lũy để có nguồn lực ứng phó với thời kỳ dân số già”, đại biểu Nghĩa làm rõ.
Từ những luận điểm đã phân tích, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung chống lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực xã hội vào Báo cáo giám sát; Đồng thời bổ sung giải pháp nhằm phát huy tối đa lợi thế của thời kỳ dân số vàng, để chuyển từ “vàng” về số lượng sang “vàng” về chất lượng.
Bên cạnh đó, đại biểu Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030; Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Nghiên cứu đổi mới toàn diện chế độ làm việc trong khu vực công, nâng cao văn hóa, đạo đức công vụ.
Đại biểu dự phiên thảo luận |
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo; Xây dựng chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước nói không với nhân công giá rẻ; Xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia...
“Chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau nếu không có chính sách chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và phát huy tối đa tài sản nguồn nhân lực để phát triển đất nước trong thời kỳ dân số vàng”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Giữ chân người tài vào khu vực công
Theo đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn), lãng phí nguồn nhân lực toàn xã hội với giá trị lớn, nghiêm trọng, thậm chí có lãng phí về cơ hội, nguồn lực tổng hợp không không thể đo đếm, xác định được.
Với khu vực công- nơi xây dựng chính sách, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và là nơi điều hành và quản trị đất nước, sử dụng mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, cần phải có đội ngũ cán bộ giỏi, có năng lực và đạo đức nghề nghiệp phục vụ Nhân dân. Do vậy, việc giữ chân người tài ở khu vực công hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều sinh viên mới ra trường cũng không thiết tha tham gia các cuộc thi tuyển công chức, viên chức vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Đâu đó cho rằng, muốn thi công chức, viên chức phải có tiền, có quan hệ cũng làm giảm sức hút nguồn nhân lực, nhất là người tài giỏi vào khu vực công. Điều đó cũng phần nào làm giảm chất lượng thực hiện công vụ.
Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng, lãng phí trong công tác quản lý, sử dụng lao động trong khu vực công đang có nhiều vấn đề cần được nghiên cứu và tìm cách giải quyết.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung |
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) bày tỏ quan tâm đến tình trạng lãng phí trong lĩnh vực giáo dục. Nữ đại biểu cho rằng, chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường đại học là hoàn toàn phù hợp với cơ cấu kinh tế và nhu cầu xã hội hiện nay.
Việc mở thêm nhiều ngành đào tạo mới là một xu hướng tất yếu không chỉ tạo điều kiện cho thí sinh có thêm nhiều lựa chọn mà còn giúp giảm chi phí cho bản thân người học và giảm áp lực về dân cư cho các đô thị lớn...
Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn, liệu những ngành mới đó có được quản lý chặt chẽ trong khâu kiểm soát và thẩm định chất lượng chương trình đào tạo hay không và đơn vị đào tạo có đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên có đủ trình độ và năng lực tương xứng để thực hiện hay không.
Bởi thực tế cho thấy một số trường Đại học mở thêm nhiều ngành mới mà chưa sẵn sàng về nguồn nhân lực giảng dạy và cơ sở vật chất dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo. Bên cạnh đó có những trường chỉ chuyên sâu đào tạo kỹ thuật công nghệ nhưng lại mở thêm nhiều mã ngành như kinh tế, du lịch, ngoại ngữ….
Đại biểu cho rằng, để tránh được những thất thoát lãng phí về nguồn nhân lực bên cạnh những biện pháp quản lý chặt chẽ từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các trường đại học, gia đình cần quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh, giúp cho các em hiểu và lựa chọn đúng các ngành nghề phù hợp với bản thân, phù hợp với nhu cầu xã hội.