Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Chất lượng nhân lực “điểm yếu” của thị trường lao động Việt
Sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, thị trường lao động Việt Nam phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. Chất lượng việc làm được nâng lên, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện…
Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu tích cực, thị trường lao động ở nước ta vẫn còn bộc lộ những điểm yếu.
Các doanh nghiệp luôn mong muốn tuyển dụng nguồn lao động chất lượng cao |
Đáng chú ý, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động; trình độ và kỹ năng của người lao động vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước trên thế giới.
Trong so sánh quốc tế, xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp 103/141 quốc gia về kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại; thứ 116 về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp. Vì độ "vênh" lớn giữa yêu cầu công việc và năng lực, kỹ năng của người lao động khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng.
Mặc dù nhu cầu tuyển dụng nhân lực rất lớn tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cũng rất khó tuyển dụng lao động phù hợp với yêu cầu công việc, do đa phần lao động đăng ký tuyển dụng đều thiếu kỹ năng nghề. Ngoài ra, vẫn còn khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động, nhiều cơ sở đào tạo chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Ngoài kỹ năng nghề, lao động Việt Nam còn yếu về ngoại ngữ điều này dẫn đến sức cạnh tranh của lực lượng lao động Việt Nam còn hạn chế. Khi các doanh nghiệp đưa công nghệ mới vào sản xuất, khả năng thích nghi và đáp ứng của lao động Việt Nam còn thấp.
Từ kinh nghiệm kết nối cung - cầu về lao động, việc làm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Quang Thành cho rằng, các cơ quan chức năng cần chủ động nắm bắt tình hình thị trường lao động, qua đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp thiếu hụt nhân sự và người lao động bị thôi việc, mất việc làm. Công tác đào tạo nghề cần linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực ở thời điểm hiện tại, tương lai.
Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp tuyển dụng lao động chất lượng cao
Hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng lao động được kết nối qua nhiều hình thức, như trực tiếp tại trụ sở chính, tại các điểm giao dịch vệ tinh của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, các phiên giao dịch việc làm; Gián tiếp qua cổng thông tin điện tử việc làm, các Website, điện thoại, tin nhắn... đã tạo thành một mạng lưới bao phủ trên toàn quốc.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, với mong muốn nâng cao hiệu quả của các phiên Giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các quận, huyện tiến hành khảo sát hàng trăm người lao động có mong muốn tìm việc làm và nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của các doanh nghiệp trước khi diễn ra các phiên Giao dịch việc làm.
Kết quả cho thấy, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học – cao đẳng chiếm tỉ lệ cao nhất chỉ tiêu; tiếp đến, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật... Qua đó, có thể thấy, nhiều doanh nghiệp mong muốn có thể tiếp cận nguồn nhân lực có chất lượng cao thông qua các phiên giao dịch việc làm.
Lao động đi Hàn Quốc, Nhật Bản nghe tư vấn tại phiên giao dịch việc làm |
Bên cạnh đó, đối với nguồn nhân lực là người lao động xuất khẩu trở về nước, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với các Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, Trung tâm Lao động ngoài nước tiến hành rà soát.
Cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đã trực tiếp trao đổi và tư vấn lực lượng lao động này và mời đến tham dự các phiên giao dịch việc làm. Đây cũng là nguồn lao động được các công ty, tập đoàn liên doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam rất thích tuyển dụng vì lợi thế ngoại ngữ, quen với môi trường làm việc nước ngoài.
Mặt khác, Trung tâm có đội ngũ tư vấn việc làm chuyên sâu, có khả năng phân tích, dự báo thị trường chuyên nghiệp. Định kỳ, Trung tâm đã tích cực thực hiện việc phân tích và đưa ra các bản tin về thị trường lao động, bản tin về dự báo thị trường lao động ngắn hạn trên địa bàn.
Kết quả nghiên cứu đó là căn cứ khoa học để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng lao động; Còn người lao động có thể tự trang bị những kiến thức, kỹ năng để có được công việc yêu thích. Giai đoạn hiện nay công tác dự báo lại càng hết sức quan trọng khi thị trường lao động đang có sự chuyển dịch rất lớn sau tác động của dịch bệnh.
Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề khác theo quy định của pháp luật. Đối với lực lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm tiếp tục tư vấn, định hướng nghề nghiệp chuyên sâu, có giải pháp kết nối họ với doanh nghiệp.