Chuyển động tích cực về tiến trình kiểm soát thuốc lá mới
Kiểm soát thuốc lá mới: Làm rõ vai trò các bên liên quan Bộ Y tế nhận giải thưởng quốc tế về kiểm soát thuốc lá Cần xây dựng một khung pháp lý để quản lý và kiểm soát thuốc lá thế hệ mới |
Theo đó, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, phương án quản lý thuốc lá mới phải phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư và các yêu cầu khác để đảm bảo tuân thủ với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá, an toàn cho người dùng. Đồng thời, phương án quản lý cũng cần cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan và tuân theo các hiệp định quốc tế Việt Nam đã ký kết.
Nhiều luồng ý kiến xoay quanh vấn đề quản lý thuốc lá mới
Trong vấn đề kiểm soát thuốc lá mới, Bộ Công thương đóng vai trò là cơ quan chủ trì, ghi nhận ý kiến từ các bộ ngành liên quan để từ đó đưa ra phương án quản lý các sản phẩm này theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tính đến nay, Bộ đã 2 lần trình báo cáo Chính phủ về phương án thí điểm chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
Cũng theo chia sẻ của ông Diên, dù Bộ Y tế không ủng hộ hợp pháp hóa thuốc lá mới nhưng về phía Bộ Tư pháp, dựa trên hệ thống pháp luật hiện hành cơ quan này đề nghị cần xem xét thuốc lá mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay. Nếu có sản phẩm nào phù hợp với định nghĩa thuốc lá thì đề xuất nên đưa vào Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV có nhiều ý kiến về vấn đề quản lý thuốc lá mới |
Vừa qua, tại tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhấn mạnh vai trò của từng bộ, ngành trong vấn đề kiểm soát thuốc lá mới.
“Nếu đánh giá tác động đến sức khỏe của người tiêu dùng thì do Bộ Y tế; đánh giá đến vấn đề sản xuất lại là nhiệm vụ của Bộ Công thương; còn nếu ở khía cạnh lưu thông hàng hoá thì thuộc sự quản lý của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương; ngoài ra lĩnh vực này còn liên quan đến Bộ Tài chính...”, ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định.
Dự kiến, Bộ Công thương sẽ đưa thuốc lá mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 67 của Chính phủ để đưa ra hình thức quản lý phù hợp vào cuối tháng 12 này.
Cấm hay kiểm soát: Dữ liệu đời thực từ các nước
Cũng theo ông Nguyễn Đức Kiên, để việc kiểm soát thuốc lá mới đầy đủ, toàn diện, hiệu quả cần phải thống nhất trong nhận thức rồi mới đi đến hành động. “Hiện chúng ta chỉ mới tiếp cận theo hướng bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nhưng chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề thị trường”, ông Kiên phát biểu.
Dựa theo quyết định 568/QD-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2023, ông Kiên cho biết, Chính phủ đã chỉ thị rõ ràng cần có giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, tránh cấm đoán cực đoan.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 184 trong tổng số 195 quốc gia thành viên đã có quy định quản lý hoặc ngầm quản lý đối với sản phẩm thuốc lá làm nóng, trong đó có cả các nước như: Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, hầu hết các nước châu Âu...
Tuy nhiên, điều không phủ nhận là bên cạnh Malaysia, Indonesia, Philippines đã hợp pháp hóa thuốc lá mới… một số quốc gia lân cận Việt Nam trong khối ASEAN như Thái Lan, Singapore, Campuchia… hiện đang cấm các sản phẩm này, dù con số là không đáng kể so với những quốc gia cho phép. Hệ lụy của việc cấm này là một số quốc gia ghi nhận tình trạng phạm tội gia tăng không chỉ xảy ra với những đối tượng cá nhân, tổ chức, mà còn bao gồm cả các quan chức Chính phủ.
Tỷ lệ hút thuốc lá điếu giảm đáng kể từ khi thuốc lá làm nóng được lưu hành hợp pháp tại Nhật (Nguồn: Vietnamplus) |
Theo đó, báo cáo của Cục An toàn Thực phẩm và Y tế Singapore dẫn số liệu từ Cơ quan Khoa học Y tế cho biết, số người bị bắt vào năm 2022 vì sử dụng và sở hữu sản phẩm thuốc lá mới tăng gần gấp 4 lần so với năm 2020.
Còn tại Thái Lan, quốc gia đã cấm thuốc lá mới trong suốt 9 năm qua, tỷ lệ buôn lậu trực tuyến các sản phẩm này đã tăng 97% từ tháng 7 đến tháng 9/2022. Nghị sĩ Phanida Mongkolsawat cho biết, điều này đã tạo ra lỗ hổng pháp lý tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng có thể lạm dụng quyền lực đối với người dân, người dùng sản phẩm thuốc lá mới mà không có luật pháp hỗ trợ.
Theo ông, để đảm bảo thủ tục pháp lý nhất quán, cần phải khẩn trương thúc đẩy các quy định quản lý rõ ràng. Các quy định này cần phải phù hợp với bối cảnh Thái Lan hiện đại cũng như thông lệ tại các nước khác trên thế giới. Quy định cần bao gồm, sự an toàn của người dùng, những người không sử dụng, lợi ích chính phủ, và sau cùng là ngăn chặn những người hút thuốc mới.
Ngược lại với các nước trên, qua dữ liệu đời thực được cung cấp tại tọa đàm “Dựng hàng rào pháp lý ngăn chặn giới trẻ tiếp xúc thuốc lá mới” tháng 8/2023, TS.BS Hiroya KumamaruN, chuyên gia tim mạch Nhật Bản, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI cho biết, sau khi thuốc lá làm nóng được hợp pháp hóa năm 2014 tại nước này, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu đã giảm nhanh gấp 5 lần mà không có sự can thiệp nào về chính sách thuế của chính phủ. Qua đó, Nhật Bản từ một nước có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá cao nhất thế giới trở thành một quốc gia đạt được tỷ lệ cai thuốc lá điếu cao là 44%, trong khi mục tiêu của WHO đặt ra là 30%.
Xét trên góc độ pháp lý và tính khả thi trong việc kiểm soát các mặt hàng này, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp nêu rõ, đã đến lúc hoàn thiện hành lang pháp lý cho thuốc lá mới. Chính phủ cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 67 về quy định điều kiện sản xuất và kinh doanh cho mặt hàng này phù hợp với thực tế tại Việt Nam.