Kiểm soát thuốc lá mới: Làm rõ vai trò các bên liên quan
Sức khỏe các bệnh nhân vụ cháy tiến triển tốt Các bệnh viện Thủ đô từng bước “chuyển mình” |
Tại tọa đàm “Thực trạng thuốc lá mới và giải pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng” vào ngày 19/10 mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, để thúc đẩy tiến trình kiểm soát cho mặt hàng này cần xác định rõ chức năng, phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của các bộ, ngành liên quan dựa trên luật đã quy định.
Đã từng cấm nhưng không thành công
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV trình bày tại hội thảo trên cho biết, vào những năm 1998 - 1999, thuốc lá điếu nhập lậu gặp phải làn sóng phản đối và yêu cầu cấm đối với sản phẩm này nhưng kết quả, chỉ biện pháp hành chính là không đủ. Do đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) đã được thông qua, nhằm quản lý thuốc lá điếu thay vì cấm.
Không chỉ tại Việt Nam, lệnh cấm thuốc lá cũng từng xảy ra tại Mỹ, một quốc gia kiện toàn về hệ thống pháp luật và nghiêm ngặt trong thực thi nhưng đã thất bại. Thông tin này đã được chia sẻ bởi Giáo sư Y khoa Brad Rodu, Đại học Louisville, phụ trách mảng nghiên cứu giảm tác hại thuốc lá, Trung tâm Ung thư Brown (Mỹ), trong tọa đàm "Phòng chống tác hại thuốc lá - Hành động mới từ góc nhìn toàn cầu" do báo VnExpress tổ chức cuối tháng 12/2022.
Theo ông, khoa học đã chứng minh khói thuốc lá điếu chứa hơn 7.000 chất độc và 100 trong số chất đó gây ra các bệnh lý liên quan đến hút thuốc như ung thư phổi, suy hô hấp, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tim mạch... Chính vì vậy, Mỹ đã từng ra lệnh cấm thuốc lá điếu nhưng thất bại. "Chúng tôi không thể cấm một sản phẩm mà hàng triệu người Mỹ muốn tiêu thụ", ông Rodu đánh giá.
Ông Nguyễn Đức Kiên (ở giữa) |
Quay trở lại với Việt Nam, thuốc lá mới đang sắp lặp lại kịch bản tương tự thuốc lá điếu khi thực trạng buôn lậu thuốc lá mới ngày càng leo thang dẫn đến nhiều hệ lụy trong xã hội. Trước thực trạng này, ông TS. Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV nhận định: “Cần phải hài hòa giữa công tác quản lý Nhà nước, công tác tuyên truyền và công tác bảo vệ sức khỏe”.
Ông Kiên cũng phân tích thêm về Quyết định 568 của Thủ tướng Chính phủ đã ký tháng 5/2023 về việc ngăn chặn thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá mới: “Tinh thần của Chính phủ là tôn trọng thực tế khách quan, cần có những biện pháp đồng bộ nhằm đảm bảo người dùng hàng có chất lượng, ngân sách của Nhà nước không thất thu, quản lý giá lưu hành trên thị trường để sản phẩm này không tạo thành một mặt hàng siêu lợi nhuận. Điều bao trùm tất cả vẫn sẽ là bảo vệ sức khỏe người dân Việt và đặc biệt là thế hệ trẻ”.
Ông Kiên nhấn mạnh: Chính phủ yêu cầu quản lý thuốc lá mới một cách đồng bộ, toàn diện chứ không cấm đoán cực đoan, lý thuyết.
Cần sự phối hợp quyết liệt
Việc kiểm soát thuốc lá mới không chỉ là vai trò và trách nhiệm của Bộ Công thương và Bộ Y tế mà theo ông Kiên, việc này liên quan đến nhiều lĩnh vực và các bộ khác nhau. Cụ thể, Bộ Y tế đánh giá tác động sức khỏe của thuốc lá mới lên người tiêu dùng; Bộ Công thương kiểm soát lưu thông, sản xuất; Tổng cục Quản lý thị trường giám sát tiêu dùng, quản lý nhà nước; ngoài ra lĩnh vực này còn liên quan đến Tổng cục Thuế, cơ quan thuộc Bộ Tài Chính.
Bên cạnh đó, theo ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, để cho các bộ chủ đạo tham mưu cho chính phủ có cơ sở khoa học đưa ra quyết định, Bộ Khoa học - Công nghệ cũng cần tham gia để đưa ra các đánh giá kỹ thuật sản phẩm. Được biết, đến nay Tổng Cục đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành những tiêu chuẩn quốc gia cho thuốc lá mới bao gồm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên thuốc lá mới, dù chưa được thông qua.
Bên cạnh đó, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng cần thêm sự tham gia của các tổ chức chuyên môn, tạo ra hội đồng thẩm định, cùng các định nghĩa phân biệt rõ thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử để áp dụng quy định thích hợp cho từng loại.
Cập nhật tiến trình đề xuất chính sách quản lý thuốc lá mới, ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp Tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho biết, vẫn đang tìm hướng đi tiệm cận với Bộ Y tế. Cụ thể, ông Quý cho biết sau 2 lần đề xuất lên Chính phủ nhưng vẫn chưa đạt được sự thống nhất hoàn toàn. Hiện nay, Bộ Công thương vẫn đang xây dựng khung pháp lý đáp ứng với quan điểm của Bộ Y tế để tiếp tục trình Chính phủ, sao cho đảm bảo quyền lợi giữa các chủ thể liên quan, phù hợp với Hiến pháp, với Luật đầu tư, với Chiến lược quốc gia và các thông lệ quốc tế nhưng vẫn phải đảm bảo sức khỏe giới trẻ, cộng đồng.
Theo đó, các đại biểu đều đồng tình với kiến nghị cần đẩy mạnh những nghiên cứu khoa học về mức độ ảnh hưởng của các sản phẩm công nghệ mới này lên sức khỏe giới trẻ, cộng đồng.
Ông Vũ Công Thảo |
“Đứng trước câu chuyện thanh thiếu niên tiếp xúc với thuốc lá mới, những đánh giá về mặt khoa học đến bây giờ vẫn chưa đầy đủ. Vậy có nguy hiểm đến mức tuyệt đối cấm hay không? Vấn đề này phải do các nhà khoa học đánh giá cụ thể và tổng hợp kinh nghiệm của quốc tế và trong nước”, ông Vũ Công Thảo, chuyên viên Cao cấp Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ giải đáp một số quan ngại được nêu.
Cũng theo ông Thảo và các chuyên gia, Việt Nam không thể đứng bên lề hội nhập và sự vận động toàn cầu. Đặc biệt, Hội nghị các bên về kiểm soát thuốc lá lần thứ 10 (COP10) sẽ diễn ra tại Panama vào tháng 11/2023 sắp tới đây, nội dung thảo luận bao hàm các vấn đề liên quan thuốc lá mới. Đến nay đã có 185/195 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa thuốc lá này vào kiểm soát.
Nhắc lại vai trò và quyền hạn của các Bộ trong vấn đề kiểm soát thuốc lá mới, ông Thảo cho biết: "Nếu Việt Nam xem thuốc lá mới là một sản phẩm thương mại và cho phép nhập khẩu thì phải có quy định về quản lý và quyết định này thuộc về Bộ Công thương".