Chuyên gia giáo dục hiến kế giải bài toán thi cử và tự chủ đại học
Điểm thi và điểm chuẩn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khiến nhiều thí sinh, phụ huynh băn khoăn |
Giáo dục không thể lấy kinh tế làm đầu
Theo PGS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam: "Trong nhiều năm qua, hầu như năm nào tuyển sinh đại học cũng có vấn đề, năm nay là điểm cao mà không trúng. Theo tôi thi phổ thông mà gắn với thi đại học là không nên".
PGS Phạm Tất Dong cũng cho rằng: Chúng ta đã phấn đấu mọi học sinh đều được học hết THPT hoặc trung học nghề, giáo dục thường xuyên... như thế là phổ cập giáo dục. Nếu đã phổ cập rổi thì không cần phải thi một lần nữa, chỉ cần thi đại học".
PGS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam |
Về vấn đề "lạm phát" điểm chuẩn năm nay, ông Dong cho rằng, số thí sinh điểm cao nhưng trượt nguyện vọng ngành và trường mình yêu thích là rất lãng phí, nếu họ giỏi thực sự.
Ông cũng đặt vấn đề: Những trường đại học top trên chọn các em này hay chọn thí sinh qua học bạ? Bây giờ trường đại học xét hết học bạ thì chật chỗ rồi, làm gì còn chỗ nữa mà tuyển theo điểm thi? Vì thế nên nhiều em đạt 30 điểm cũng chẳng đỗ…
"Cho đến giờ phút này, tự chủ đại học chưa thành công, nếu thành công thì suôn sẻ, không có chuyện như vừa rồi xảy ra. Hiện tự chủ ở nước ta đa phần đánh vào kinh tế trước, vì thế các trường chăm lo đầu tiên là thu học phí, sau đó mới tính đến cơ sở vật chất, kỹ thuật và cuối cùng là đến chương trình. Trong khi lẽ ra, tự chủ là anh phải thay mặt người dân bảo đảm được chất lượng trước nhà nước", ông Dong nói.
Chỉ nên lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT làm tiêu chí sơ tuyển
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: "Tôi nghĩ vẫn phải kiên trì với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nếu tổ chức thống nhất trong cả nước.
Hiện nay, nhiều người nói trả kỳ thi tốt nghiệp cho các địa phương, nếu thế thì không gọi là kỳ thi quốc gia. Khi đã tổ chức kỳ thi quốc gia, nhà nước nắm quyền nhưng có phân cấp, đề thi ra thống nhất 1 đề, quy trình thi và tiêu chuẩn xét tốt nghiệp cũng phải thống nhất…
Những tiêu chí đó phải do 1 đầu mối là Bộ GD&ĐT. Còn kỳ thi thống nhất giao cho địa phương, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tiêu cực.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến |
Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng nhận định: Nếu quay lại 2 kỳ thi quốc gia như trước thì rất không nên, bởi gây cho học sinh căng thẳng vì vừa hết kỳ thi này đến kỳ thi khác.
"Tôi cho rằng, kỳ thi này chủ yếu chỉ nên nhằm xét tốt nghiệp THPT nhưng trong một số điều kiện nào đó, có thể sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xem xét vào đại học. Đó là trong trường hợp đối với các trường đại học top giữa và top dưới, có thể lấy kết quả thi THPT quốc gia để xem xét như lâu này vẫn diễn ra như thế. Chỉ có những trường, ngành top trên và ngành năng khiếu thì nên lấy kết quả tốt nghiệp THPT quốc gia để sơ tuyển thôi, không nên chi li.
Ngoài ra còn lấy tiêu chí phụ như chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, hạnh kiểm… tiêu chí phụ ấy các trường tự quyết, từ cái sơ tuyển đó để lọc ra lấy kết quả cuối cùng, chỉ ít ngành thôi. Nếu lấy như thế thì không có chuyện thí sinh 29, 30 điểm không đỗ", Ông nhấn mạnh
Cần học thật, thi thật
Ths Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An cho rằng: Thực ra việc thi cử này liên quan đến 2 vấn đề cơ bản bệnh thành tích trong giáo dục và việc học thật, thi thật.
Theo Ths Trần Trung Hiếu, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điểm cao của năm học này chính là viêc đề thi ra không phân hoá được học sinh.
"Về mặt nguyên tắc ra đề thi không phải khó hay dễ mà đề thi đó có phân loại, phân hoá được học trò. Với những em loại giỏi làm bài thi được 9, 10 điểm, em khá làm được 7, 8 điểm, còn từ 6 trở xuống là trung bình, kém… đó mới là đề thi khoa học. Còn đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 về cơ bản không phân hoá được nên thi sinh đạt điêm 10 không khác gì em điểm 8", ông khẳng khái.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu |
Ông Hiếu cũng cho rằng, xét học bạ là một trong tiêu chí cứng, có những trường lấy 50% điểm xét tuyển học bạ, điều này nảy sinh ra một vấn đề, hiện tại ở THPT, nhiều trường chủ trương cho điểm học sinh rất cao, bởi họ biết sẽ có lợi khi xét vào đại học. Điều này sẽ dẫn đến việc thiếu công bằng. Học sinh giỏi thực thụ "cào bằng" với học sinh được các trường phổ thông nâng đỡ.