Chuyên gia vạch mặt chiêu trò lừa đảo qua mạng
Những cú lừa không tưởng nhưng vẫn xảy ra
Thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ việc học sinh, sinh viên bị đối tượng giả danh cơ quan công an gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn. Mặc dù, cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền về thủ đoạn này, song nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, vẫn mất cảnh giác và trở thành nạn nhân.
Mới đây, Công an thành phố Hà Nội xác nhận một nam sinh viên 20 tuổi bị lừa mất 500 triệu đồng sau khi nhận cuộc gọi video từ đối tượng giả danh công an. Đối tượng mặc sắc phục, đọc “lệnh bắt giữ” qua màn hình, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phục vụ điều tra vụ án ma túy. Vì hoảng sợ, nam thanh niên đã vay mượn người nhà và chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau đó, phát hiện mình bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.
![]() |
Sinh viên tìm hiểu về các chiêu trò lừa đảo (Ảnh USTH) |
Chỉ chưa đầy nửa tháng trước, một nữ sinh 19 tuổi tại Hà Nội cũng bị lừa gần 3 tỷ đồng với kịch bản tương tự. Không dừng lại ở Thủ đô, ngày 11/5, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo qua mạng xã hội và tìm được một học sinh bỏ nhà không rõ đi đâu. Các đối tượng lừa đảo đã giả mạo công an và yêu cầu em học sinh này chuyển khoản 250 triệu đồng để được nhập học vào đại học tại Trung Quốc…
Những vụ việc không còn là lời cảnh báo mơ hồ, chúng là hiện thực đau lòng trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, đánh trúng vào tâm lý nhẹ dạ, thiếu kinh nghiệm và áp lực học tập, tài chính của giới trẻ.
Chiêu trò cũ nhưng ngày càng tinh vi
Tại tọa đàm “Thoát bẫy: Nhận diện và phòng tránh lừa đảo cho sinh viên”, Đại úy Tống Duy Ngọc (Công an thành phố Hà Nội) đã phân tích các nguyên nhân khiến sinh viên, người trẻ dễ trở thành nạn nhân.
Đó là tâm lý ham học hỏi, khát khao phát triển bản thân khiến nhiều bạn trẻ tích cực tìm kiếm học bổng, việc làm thêm, cơ hội trải nghiệm, từ đó dễ bị dụ dỗ bởi những lời mời hấp dẫn như “việc nhẹ lương cao”, “làm cộng tác viên online”, “đầu tư tài chính lợi nhuận lớn”…
Sự hiện diện sâu trên mạng xã hội khiến sinh viên dễ bị thu thập thông tin cá nhân, từ đó tội phạm dễ dàng dựng lên kịch bản lừa đảo như chuyển nhầm tiền, có liên quan đến tội phạm hay mạo danh cơ quan chức năng để đe dọa, thao túng.
Tâm lý e ngại chia sẻ với gia đình và niềm tin sai lệch vào sự giúp đỡ từ “công an online” khiến sinh viên hành động thiếu kiểm chứng. Bên cạnh đó, tài chính của sinh viên thường đến từ gia đình, một “kho vàng” mà kẻ gian nhắm đến qua lòng thương con cái.
![]() |
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) |
Chia sẻ với các bạn trẻ, Thượng úy Châu Đức Nhân (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cảnh báo về hàng loạt “bẫy việc nhẹ” như thu âm lồng tiếng tại nhà, bấm like - share - đánh giá 5 sao, tăng tương tác sản phẩm, đầu tư tiền ảo, đa cấp… Tất cả đều có kịch bản “hái ra tiền” trước khi đẩy nạn nhân xuống vực nợ nần.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC, đại diện chongluadao.vn) cho hay: Thời gian gần đây, các hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng trở nên tinh vi hơn. Những kẻ xấu có rất nhiều kịch bản để dẫn dụ người bị hại, trong đó có nhiều "cái bẫy" tưởng chừng rất vô hại.
"Đơn cử như hình thức lừa đảo mới "cuộc gọi trắng". Kẻ gian thực hiện các cuộc gọi nháy máy hoặc im lặng nhằm kích thích sự tò mò của người nhận, khiến họ gọi lại và phải chịu phí viễn thông cao", anh nói.
Các cán bộ công an, an ninh mạng cho biết, chiêu thức lừa đảo trực tuyến ngày nay có hệ thống và ứng dụng công nghệ cao, từ deepfake giả giọng, giả hình ảnh, đến các phần mềm gián điệp và đánh cắp danh tính. Một số thủ đoạn phổ biến như: Giả danh công an, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điện lực để đe dọa, yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân; thông báo trúng thưởng, nhận quà, đầu tư tài chính; chuyển nhầm tiền rồi đòi lại để gài bẫy vay nặng lãi hoặc lạm dụng tài khoản ngân hàng nạn nhân...
Nói “không” đúng lúc là bài học trưởng thành
Theo cơ quan chức năng, chúng ta tuyệt đối không chuyển tiền, cung cấp mã OTP, tài khoản ngân hàng cho người lạ dù dưới bất kỳ hình thức nào; không làm theo yêu cầu từ các cuộc gọi tự xưng công an, không tải ứng dụng lạ được chỉ dẫn để “phục vụ điều tra”.
Người dùng cần cài đặt xác thực hai lớp trên mọi tài khoản mạng xã hội. Nếu bị hack, cần thông báo ngay đến bạn bè để phòng ngừa kẻ xấu mạo danh lừa đảo; không vay tiền online từ ứng dụng không rõ nguồn gốc, không đóng phí trước để “nhận khoản vay”; luôn xác minh thông tin bằng cách gọi điện trực tiếp hoặc gặp mặt khi có yêu cầu vay mượn từ người quen.
![]() |
Cơ quan Công an đã có cảnh báo về các cuộc gọi, tin nhắn nội dung có dấu hiệu lừa đảo (Ảnh minh hoạ) |
Một trong những khuyến nghị quan trọng là người trẻ không chỉ cảnh giác cho bản thân mà còn chủ động lan tỏa kỹ năng phòng tránh đến bạn bè, người thân. Không có chuyện gọi điện thoại để triệu tập, yêu cầu chuyển tiền hay cài app phục vụ điều tra. Mọi yêu cầu làm việc đều được thông báo bằng văn bản qua công an địa phương.
Trong thời đại số, kiến thức và bản lĩnh chính là tấm khiên hiệu quả nhất để chống lại những cạm bẫy vô hình. Càng hiểu rõ cơ chế lừa đảo, càng biết cách giữ bình tĩnh và xác minh thông tin, người trẻ sẽ càng khó bị tấn công.
Mạng xã hội và công nghệ không xấu, chỉ khi chúng ta không kiểm soát được thì chính mình sẽ thành nạn nhân. Muốn tự do trên không gian số, giới trẻ cần song hành giữa trí tuệ công nghệ và trí tuệ cảm xúc. Bởi trong một xã hội kết nối ảo ngày càng dày đặc, khả năng nói “không” đúng lúc là bài học trưởng thành quan trọng nhất.
Tại chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược “Chống lừa đảo và tăng cường an toàn không gian số”, chuyên gia an ninh mạng Hiếu PC - người đại diện Chongluadao.vn, chia sẻ: Nếu nghi ngờ người gọi video cho mình là lừa đảo, cần yêu cầu họ quay trái, quay phải, đứng lên hay đơn giản là nhe răng ra là biết lừa đảo hay không. Hiếu PC phân tích thuật toán của các trí tuệ nhân tạo deepfake (giả dạng hình ảnh) hiện nay trong lúc thực hiện cuộc gọi thời gian thực sẽ không xử lý được nếu người gọi quay trái, quay phải hoặc đứng lên. Một điểm yếu đặc biệt là hàm răng, các thuật toán AI này chưa tái hiện được hàm răng như của người bị giả dạng. Nếu là giả dạng, lúc há miệng thì có người không có hàm răng, có người lại có 3 hàm, thậm chí 4 hàm. Vì thế đặc điểm của hàm răng là đặc điểm dễ nhận biết cuộc gọi giả mạo. |
Tin liên quan
Đọc thêm

Bài 2: Chung tay tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

Tặng quà, khám bệnh 0 đồng tiếp sức công nhân trẻ

Bài 2: Ứng dụng công nghệ sóng não và giấc mơ lớn tuổi 20

Start-up trẻ và kỳ vọng về phát triển kinh tế tư nhân

Sinh viên biến ý tưởng “điên rồ” thành sản phẩm

Kết nối hơn 5.000 sinh viên với doanh nghiệp tìm cơ hội việc làm

Lễ hội Thiếu nhi 2025 hướng đến tôn vinh giá trị gia đình

Ít nhất 2.000 thanh niên sẽ được hỗ trợ khởi nghiệp

Sáng tạo trẻ, dữ liệu lớn và ước mơ khoa học
