Chuyện nghề của nữ công nhân 25 năm làm đẹp phố phường Hà Nội
Chị Nguyễn Thanh Vân đã có gần 25 năm gắn bó với công việc vệ sinh môi trường
Bài liên quan
Hà Nội: Học sinh THPT, trường nghề nghỉ hết 15/3
Đoàn Thanh niên URENCO ra quân hỗ trợ nữ công nhân nhân dịp mùng 8/3
Những người lặng thầm làm đẹp Thủ đô
Người phụ nữ 30 năm làm đẹp cho phố phường Hà Nội
URENCO: Nỗ lực vì Thủ đô sạch đẹp
Tôi gặp chị Nguyễn Thanh Vân (Tổ trưởng Tổ môi trường số 8, Chi nhánh Ba Đình, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội) trên phố Kim Mã tầm 5 giờ chiều. Đó cũng là lúc chị bắt đầu giao ca với các anh em công nhân.
Những ngày này, Hà Nội đang gồng mình chống dịch Covid-19. Tại nhiều tổ dân phố, các tổ chức đoàn thể, hộ gia đình đều ra quân dọn vệ sinh môi trường, làm sạch ngõ phố nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh song không vì thế mà công việc nhân viên môi trường bớt vất vả hơn.
Vừa thoăn thoắt gom rồi đẩy những xe rác cao quá đầu người, chị Vân vừa kể: "Đặc thù nghề nghiệp của chị là phải làm hết việc mới được về chứ không thể để đến ngày hôm sau. Chị thường hay nói đùa với các đồng nghiệp của mình là làm hết rác chứ không làm hết giờ”.
Chị Nguyễn Thanh Vân (thứ hai từ phải sang) trò chuyện cùng đồng nghiệp trước giờ giao ca |
Chị Vân hiện là tổ trưởng quản lý 3 phường bao gồm Ngọc Hà, Đội Cấn và Kim Mã nên phải thường xuyên chạy đi chạy lại để kiểm tra tình hình công việc trong tổ thực hiện đến đâu, có gặp khó khăn gì không.
“Sau mỗi ca làm, trên đường đi về, nhìn thấy tuyến phố mình phụ trách sạch sẽ như được thay chiếc áo bẩn ra để mặc vào một chiếc áo mới cảm thấy vui đến lạ”, chị Vân chia sẻ.
Kề về cơ duyên đến với nghề, chị Vân cho biết, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, muốn kiếm thêm thu nhập để có thể chăm lo cho gia đình và phù hợp với giờ giấc đón con cái đi học nên chị chọn công việc này.
“Chị vào nghề từ năm 1995, khi ấy chị còn rất trẻ. Lúc mới bắt đầu làm, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc vượt qua được chính bản thân mình cho đến việc ái ngại khi bắt gặp bạn bè trên đường, thậm chí có những lúc phải cúi gằm mặt xuống hoặc ngoảnh mặt đi vì sợ bạn bè nhận ra”, chị Vân kể.
Rồi khi đã bước chân vào nghề, thái độ và lời nói thiếu tôn trọng của nhiều người làm chị rất muốn bỏ việc. “Sau này quen dần với nghề, tôi cảm thấy công việc của mình rất quan trọng, chỉ những ai không hiểu, không biết cách giữ gìn môi trường thì người ta mới coi thường mình thôi”, chị Vân nói.
Tính đến nay thì chị Vân cũng đã công tác được 24 năm trong nghề. Công việc đã “ăn vào máu”, nghỉ một ngày ở nhà là đã lo lắng không biết hôm nay công việc thế nào, đã hoàn thành hết chưa. Có những ngày 12 giờ mới đến ca nhưng 9, 10 giờ chị đã đến làm vì sốt ruột, sợ không xong việc hoặc hôm đó có phát sinh việc gì mới.
Chị Vân luôn quan niệm "làm hết rác chứ không làm hết giờ" |
Nghề này khó khăn một thì nguy hiểm mười. Ngoài việc tiếp xúc trực tiếp với rác nên sức khỏe bị ảnh hưởng thì người dân lại chưa biết phân loại rác nên có lần chị còn bị kiêm tiêm lẫn trong rác đâm vào tay. Chưa kể ngày nắng ngày mưa vẫn phải làm rồi nguy hiểm rình rập từ các đối tượng nghiện ngập, cướp giật nếu làm ca đêm.
Dù vậy, “những gì nặng nhọc thì để lại đằng sau, tôi chỉ nhớ những kỉ niệm vui thôi”. Chị Vân kể, vào đêm Noel 6 năm trước, khi chị cùng mọi người đang làm việc ở khu vực Giang Văn Minh - Đội Cấn thì một nhóm thanh niên tình nguyện đến trao cho chị cùng mọi người bó hoa, túi quà và nói lời cảm ơn khiến chị vừa vui vừa cảm động. Đó là động lực giúp chị nỗ lực làm việc mỗi ngày.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, chị Nguyễn Thanh Vân đã hai lần được trao tặng danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, ba lần nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt cấp thành phố”; hai lần nhận danh hiệu “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Đặc biệt, năm 2018, chị vinh dự nhận danh hiệu “Cây chổi vàng” - danh hiệu tôn vinh người lao động trực tiếp tham gia công việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của ngành vệ sinh môi trường toàn quốc.
Chia tay chị khi thành phố lên đèn, trong lòng tôi vẫn bồi hồi cảm xúc về những người phụ nữ âm thầm chịu nhiều thiệt thòi để làm đẹp cho đời.
Dù công việc còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng những nữ lao công như chị Vân vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, hạnh phúc với công việc mình đã chọn…