Chuyện về “biệt đội áo vàng” cứu hộ ven biển Đà Nẵng
Lực lượng cứu hộ luôn túc trực ở bãi biển quan sát và sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố, đảm bảo an toàn cho du khách (Ảnh Đ.Minh) |
Từ tháng 4 - 8 Dương lịch, lượng khách du lịch đổ về Đà Nẵng lớn nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm được nhiều du khách đánh giá là đẹp nhất của Đà Nẵng vì nắng nhiều, ít mưa và khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp hơn hẳn.
Trên thì nắng, dưới thì nước
Đi dọc các bãi biển Đà Nẵng, người dân và du khách không khó để nhận ra các nhân viên cứu hộ, cứu nạn thuộc Ban Quản lý (BQL) Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng trong màu đồng phục vàng, đỏ. Những thanh niên có thân hình rắn rỏi, làn da bánh mật, bất kể ngày nắng hay mưa, họ vẫn miệt mài với công việc của mình.
Ngày nào cũng vậy, công việc của một cứu hộ viên bắt đầu bằng việc bơi ra khơi cắm cờ ở những vùng có ao xoáy, sau đó trở vào bờ đứng trông chừng cho khách tắm biển. Nếu phát hiện trường hợp nào đi vào “vùng cấm” thì họ thổi còi cảnh báo hoặc lập tức phóng ra đưa khách trở vào bờ. Khi Đà Nẵng đang vào mùa du lịch, du khách đông trở lại thì những cứu hộ viên trực suốt 10 tiếng có khi 12 tiếng mỗi ngày.
Theo ông Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng đội cứu hộ các bãi biển du lịch Đà Nẵng (thuộc BQL), toàn đội có khoảng 100 nhân viên cứu hộ được chia thành 19 tổ, làm nhiệm vụ cứu hộ dọc 2 tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa và Nguyễn Tất Thành. Lực lượng trong đội được phân công túc trực theo ca, bắt đầu từ 4h30 đến 19h hằng ngày, tăng cường tuần tra đêm đến 21h30 tại các khu vực trọng điểm từ bãi tắm Sao Biển đến khu vực bãi tắm Mân Thái.
Anh Nguyễn Tấn Tài, Tổ trưởng Tổ cứu hộ số 5 thuộc BQL Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, chia sẻ “Với tôi và các đồng đội, đây không còn là nghề kiếm cơm, mà trên hết là một công việc nhân đạo. Biển rộng, người đông, với người thường thì chắc chắn sẽ bị "rối" mắt. Tuy nhiên với những người làm công tác cứu hộ thì định vị đúng vị trí của du khách là một phản xạ nhanh nhạy đã được rèn luyện”.
Lượng du khách rất đông vào mỗi sáng và chiều tối nên áp lực công việc |
Đôi khi nhìn các nhân viên đi lại trên bờ biển tưởng họ đang dạo chơi nhưng thực ra đó là lúc họ đang phải căng mắt quan sát ngoài xa. Vào giờ cao điểm, công việc của Đội cứu hộ đầy áp lực, dựa theo kinh nghiệm về khu vực dòng nước an toàn, các anh giăng phao giới hạn điểm tắm. Với lượng người tập trung quá đông, việc phải căng mắt theo dõi nhất cử nhất động của từng người thực sự là một thách thức đối với nhân viên cứu hộ.
Không màng trả ơn
“Nghề cứu hộ trông giản đơn nhưng đôi khi phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Nếu vì tiền, không ai đi làm nghề cứu hộ, bởi lương rất thấp” - đó là tâm sự chung của nhiều anh em cứu hộ khi nói về nghề của mình. Họ đến với nghề vì yêu biển, cũng là muốn đem lại sự bình yên cho người dân, du khách yêu mến biển Đà Nẵng.
“Nhà Phật dạy, cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp. Vì vậy, bên cạnh việc kiếm sống, anh em chúng tôi chọn nghề cứu hộ còn muốn tạo phúc ở đời…”, anh Tài bày tỏ. Khi cứu hộ, các anh không bao giờ nghĩ đến chuyện được trả ơn mà có khi được người ta nhớ nên trả ơn nồng hậu thì các anh cũng không nhận.
Nhắc về trường hợp đáng nhớ nhất, anh Tài kể: “Trong lúc đang sửa soạn đồ đạc chuẩn bị về, tôi hướng mắt ra biển kiểm tra lần cuối thấy thấp thoáng trong màn đêm có người bị hút dần vào khu vực nước xoáy mạnh, ngay điểm cảnh báo nguy hiểm. Không chút chần chừ, tôi vừa tuýt còi báo hiệu vừa chạy lấy dụng cụ cứu hộ, lao mình như mũi tên lướt trên mặt biển. Chỉ hơn hai phút đến được vị trí nạn nhân bị chìm, sau vài giây trấn tĩnh đưa mắt rà quanh, may thay dưới ánh đèn lấp loáng tôi đã tìm thấy nạn nhân và lập tức đưa lên bờ, đúng lúc đồng đội cũng kịp có mặt để hỗ trợ. Trao người bị nạn cho đội cấp cứu, tôi lúc đó kiệt sức nằm dài trên cát".
Bên cạnh đó, cũng có người được cứu sống đã mang đến 2 thùng bia để cảm ơn anh em cứu hộ; Có du khách viết thư cảm ơn đội cứu hộ đã “tái sinh” cuộc sống cho mình. Đến giờ, anh Tài vẫn còn giữ lá thư của một “kình ngư” quê Quảng Trị gửi lời cảm ơn, vì đã cứu anh ấy thoát chết trong một lần tắm biển ở khu vực biển Mỹ Khê.
Nhân viên cứu hộ thổi còi và vẫy cờ ra hiệu gọi du khách tắm quá xa bờ vào khu vực an toàn (Ảnh Đ.Minh) |
Nói về công việc của mình, anh Trần Xuân Thọ, thành viên đội cứu hộ tâm sự: “Mùa này nắng đẹp nên cuối tuần biển rất đông khách. Lúc cao điểm, mỗi thành viên phải phụ trách từ 200-300m bãi biển với hàng ngàn du khách. Chúng tôi phải tập trung tinh thần cao độ để nhận biết ai có nguy cơ gặp nguy hiểm mà cảnh báo hoặc ứng cứu kịp thời. Khi cứu hộ, một thao tác hay nhận định tình huống không chuẩn không chỉ khiến khách mà bản thân cứu hộ viên cũng gặp nguy hiểm.
Người đến tắm biển đa số không hiểu về quy tắc an toàn khi tắm, rất nhiều trường hợp say xỉn vẫn “lao” xuống biển để giải nhiệt. Có người bơi ra khỏi cột cờ báo nguy hiểm hoặc không mặc áo phao nhưng cứ bơi ra xa. Gặp những trường hợp này, chúng tôi buộc phải bơi ra đưa họ vào bờ và yêu cầu chấp hành nghiêm quy định. Có người say xỉn, khi nhắc nhở họ còn đòi đánh, lúc đó mình đành phải nén giận để cứu họ đã…”.
Có 14 năm kinh nghiệm với nghề cứu hộ, anh Nguyễn Tấn Tài cho biết thêm: "Biển Đà Nẵng trông yên ả vậy nhưng ẩn giấu những ao ngầm nằm cách bờ chỉ chừng 50-100m. Những đợt sóng lớn sẽ làm các ao xoáy từ trước bị san bằng nhưng sau đó chúng sẽ "trổ" các ao xoáy mới. Chính vì vậy mà các tổ cứu hộ đa phần đều là con nhà ngư nhiều kinh nghiệm về biển, phải cập nhật con nước hằng ngày và cắm cờ cảnh báo cho du khách tránh xa”.
Do đó, du khách tắm biển nên chú ý và tránh xa những khu vực đã cắm cờ báo hiệu nguy hiểm ao xoáy. Dòng chảy không phải lúc nào cũng có biểu hiện cụ thể dễ nhận biết nên khách tắm biển cũng cần phải chú ý các tín hiệu, tuân thủ hướng dẫn của đội ngũ nhân viên cứu hộ bờ biển.