Cô giáo dạy Văn “mách” thí sinh phương pháp tránh “rơi” điểm đáng tiếc
Học sinh, phụ huynh Hà Nội tự tin, bình tĩnh trước giờ “G” Phòng thi đặc biệt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị thi vào lớp 10 |
Môn Ngữ văn có thời gian làm bài 120 phút và là môn thi đầu tiên (sáng 18/6) trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội.
Cô Phạm Thu Trang |
Đọc kỹ và phân tích đề trước khi làm bài
Với kinh nghiệm nhiều năm ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn, cô Trang cho biết, để làm tốt bài thi việc đầu tiên bắt buộc thí sinh phải đọc kỹ và phân tích đề trước khi làm bài. Câu nào dễ các em làm trước. Gạch chân vào những từ ngữ quan trọng, ghi đáp án bằng từ chìa khóa lên trên phần gạch chân ở đề bài và phải sử dụng giấy nháp ở bài thi. “Dù là câu hỏi dễ về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác cũng phải ghi từ chìa khóa lên trên phần câu hỏi của đề để tránh nhầm lẫn”, cô Trang nhấn mạnh.
Phân chia thời gian theo số điểm ở từng phần
Theo cô Trang, yếu tố quan trọng nữa là thí sinh cần phân chia thời gian hợp lý. Các em nên đeo đồng hồ để chia mỗi bài thi cần làm trong bao nhiêu phút. Bài thi thường có 2 phần, mỗi phần không quá chênh lệch về thời gian để tránh hiện tượng đầu voi đuôi chuột. Trong đó lưu ý, phần viết đoạn (mỗi đoạn văn nghị luận văn học hay nghị luận xã hội phải dành khoảng 25 phút - 30 phút cho từng đoạn).
Trả lời rõ ràng, đầy đủ nội dung câu hỏi yêu cầu: Những năm trước, vẫn có tình trạng trả lời câu hỏi nhỏ ở phần đọc hiểu một cách cộc lốc. Điều này các em nên tránh, ngược lại muốn đạt điểm cao cần trả lời rõ ràng, đầy đủ nội dung câu hỏi yêu cầu.
Cô Trang cũng hướng dẫn thí sinh cách trả lời từng dạng bài trong đề thi để “ăn” điểm tối đa.
Đầu tiên, đối với câu hỏi nhỏ bắt buộc thí sinh phải tách ý rõ ràng, không viết thành đoạn văn hoàn chỉnh nhưng giữa các ý phải có phần chuyển ý. Dùng kí hiệu (- ) để trình bày ý lớn, (+) để trình bày ý nhỏ. Hay với dạng câu hỏi so sánh sự khác nhau, các em không được kẻ bảng mà trả lời mỗi ý trong 1 câu hỏi bắt đầu bằng 1 gạch đầu dòng.
Đối với dạng câu hỏi tại sao, qua đoạn trích nhân vật là người như thế nào, bộc lộ phẩm chất gì, vẻ đẹp gì? Thí sinh không được ghi 1 đáp án, ghi càng nhiều đáp án càng tốt và phải có dẫn chứng để thuyết phục giám khảo chấm thi.
Dạng câu hỏi liên hệ tác phẩm tương đồng (cùng chủ đề, đề tài…): nếu chưa chắc chắn, thí sinh chỉ cần kể tên 2 tác phẩm.
Bài nghị luận văn học - lập dàn ý ngắn gọn ra nháp
Cô Trang khuyên thí sinh phải lập dàn ý ngắn gọn ra nháp trước khi viết vào bài thi. Để tiết kiệm thời gian, các em chỉ viết từ khoá, không diễn đạt thành câu.
Nếu đề bài hỏi phần đoạn văn nghị luận văn học và yêu cầu phân tích nhân vật trong một tác phẩm, thí sinh gọi tên phẩm chất, dẫn chứng, nhận xét. Sau khi phân tích xong, bắt buộc phải nêu nghệ thuật xây dựng nhân vật qua tình huống, hành động, lời nói, cử chỉ.
Nếu yêu cầu phân tích nhân vật trong một đoạn trích được nêu ở đề bài, các em cần tìm các từ chìa khóa xuất hiện, gạch chân vào đề, ghi phẩm chất. Chú ý các yếu tố nghệ thuật trong đoạn trích (kiểu câu, dấu câu) khoanh tròn.
Đề yêu cầu phân tích thơ, bắt buộc thí sinh tuân theo các bước như: Trích thơ hoặc dùng thơ làm lời dẫn, gọi tên nghệ thuật, nêu tác dụng của nghệ thuật (chưa nắm chắc tác dụng, diễn xuôi lại ý thơ); Lưu ý phân tích thơ mà không gọi tên nghệ thuật, bài điểm sẽ rất kém.
Cô cũng lưu ý thí sinh, nếu sai ý nào đó, tuyệt đối không được dùng bút xóa mà sai vài từ nên dùng thước kẻ gạch chéo dòng chữ, dùng dấu ngoặc đơn gạch sát vào chữ. Sai vài câu liền thí sinh nên dùng dấu ngoặc đơn, sổ thẳng bên lề giấy thi, ghi “bỏ”. Khi làm bài xong, thí sinh nên kiểm tra lại toàn bộ bài, từng câu để không bị sót câu chữ.