Cô giáo đem tình yêu cho những em bé Dao
Các em học sinh mầm non là động lực để cô Bàn Thị Mai yêu nghề, cố gắng nỗ lực mỗi ngày
Yêu nghề, mến trẻ, không ngại gian nan
Hiện nay, cô Bàn Thị Mai đang công tác tại trường Mầm non Đồng Sơn, thuộc xã Đồng Sơn - một trong hai xã khó khăn nhất của huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. 98% người dân nơi đây là dân tộc Dao, cô Mai cũng vậy. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn bởi thu nhập chính chỉ từ nông nghiệp, lại đông người nên không đủ điều kiện cho con cái học hành.
Ở Đồng Sơn, nhà người dân quá xa các điểm trường, vậy nên, đa số học sinh mầm non cũng phải đi bộ cùng các anh chị tiểu học đến lớp. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa cao, vì thế, việc dạy học của giáo viên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Cô giáo Bàn Thị Mai chia sẻ, cô được sinh ra trong gia đình có bốn anh chị em. Bố của cô trước đây là thầy giáo. Ngay từ khi còn nhỏ, cô Mai đã ước mơ lớn lên trở thành giáo viên. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, cô thi đỗ và học tập tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Hoành Bồ, rồi tiếp tục học ở trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ninh. Đến năm 2005, sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô Bàn Thị Mai được cử đi học lớp Trung cấp Sư phạm Mầm non ở trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh và ra trường về địa phương công tác đến nay đã được 12 năm.
“12 năm gắn bó với trường Mầm non Đồng Sơn, nhớ ngày đầu tiên nhận lớp vào tháng 9/2007, tôi thấy phòng học chỉ được ghép từ những mảnh gỗ mỏng, ánh sáng có thể xuyên qua khe gỗ. Mái nhà được lợp bằng những chiếc lá cọ, nền chỉ là đất đỏ. Mỗi lần mưa to gió lớn lại làm ướt mèm những trang sách nhưng cô trò vẫn cảm thấy ấm áp bởi tình thương yêu”, cô Mai bày tỏ.
Cô giáo Bàn Thị Mai nguyện yêu và gắn bó suốt đời với nghề sư phạm |
Thời gian cứ thế trôi qua, tuần nào cũng vậy, mỗi buổi sáng thứ hai, cô giáo trẻ lại hành trình suốt chặng đường dài 23 km để đưa con chữ đến với học trò thân yêu. Có những ngày lũ ấp tới, không thể qua suối về khu tập thể của giáo viên, cô Mai phải ở lại lớp học một mình và soạn những trang giáo án cùng chiếc đèn dầu. 12 năm trôi qua với biết bao khó khăn, vất vả nhưng cô vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trồng người cao cả. Những lứa học trò nhờ bàn tay cô giáo giờ đã khôn lớn, ngoan ngoãn, khỏe mạnh, có em trở thành học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh...
Động lực từ những yêu thương
Cô giáo Mai trải lòng: “Từ khi trở thành giáo viên mầm non, có những phút giây tôi thổn thức nghĩ về nghề. Đôi lúc tôi cảm thấy thật áp lực khi trẻ có những vết xước ở đâu đó trên cơ thể, bị phụ huynh trách móc. Tuy nhiên cảm giác ấy dần qua bởi mỗi ngày được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ đàn em thơ ngây, ngắm nhìn những ánh mắt to tròn nhỏ dại và rồi tôi lại thêm động lực để cố gắng hoàn thiện mình hơn”.
Mỗi người đều có lí do riêng để chọn cho bản thân một nghề nghiệp, cô Mai quan niệm, dù làm nghề nào, công việc gì cũng cần xuất phát từ tâm, từ tình yêu chân thành, đặc biệt hơn đối với giáo viên mầm non trên hết là tình yêu trẻ và có bản lĩnh. Dẫu hiện nay, nhiều người nhìn giáo viên mầm non với ánh mắt thiếu thiện cảm nhưng cô Mai luôn có niềm tin vào chính bản thân. Cô khẳng định mình đã chọn và làm đúng nghề. Với cô Mai, công việc hiện tại cho cô nhiều bài học, các cung bậc cảm xúc, cũng như tình yêu thương, trách nhiệm hơn.
Cô Bàn Thị Mai chia sẻ, trong nhưng năm gần đây được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo về công tác chăm sóc giáo dục trẻ tại địa phương, chế độ của giáo viên và học sinh mầm non ngày càng được quan tâm hơn.
“Bản thân tôi nói riêng và chị em đồng nghiệp nói chung rất mong được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp lãnh đạo về chế độ của giáo viên và học sinh trên địa bàn xã Đồng Sơn. Điều đó sẽ giúp cho người dân nơi đây giảm bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày; Những em nhỏ đến độ tuổi đi học được đến lớp nhiều hơn và giáo viên cũng yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người”, cô giáo Bàn Thị Mai bày tỏ.
Bài liên quan
Cô giáo Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ
“Chia sẻ cùng thầy cô” 2019: Tôn vinh giáo viên vùng dân tộc khó khăn
Cô giáo Sa Rôn dạy tiếng Khmer bằng phương pháp mới