Cô giáo phải hơn cả "mẹ hiền"...
Cô giáo còn hơn cả "mẹ hiền", đó là nhu cầu thực thế từ phía phụ huynh và học sinh
Bài liên quan
Người mẹ hiền của những học sinh lớp 1
Đủ kiến thức, đầy tình yêu thương
Vài ngày qua, mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh bé gái học lớp 1 đứng ngoài cổng trường trong nắng nóng vì đi học quá sớm. Mẹ cháu bé cho biết, cháu đi học sớm 15 phút nên không được vào trường mà phải đứng đợi ngoài cổng.
Được biết, bé gái hiện đang học lớp 1, trường Tiểu học Quang Trung (quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Chia sẻ với báo chí, hiệu trưởng nhà trường cho biết sẽ yêu cầu cô chủ nhiệm kiểm điểm nghiêm túc. Trường đồng thời thống nhất với các giáo viên bố trí chỗ cho học sinh ở phòng y tế, phòng bảo vệ... khi các em đến sớm. Cô giáo chủ nhiệm cũng nhận lỗi về việc để học sinh đứng ngoài vì trước đó đã phê bình những học sinh đến sớm, gây mất trật tự tại lớp bán trú.
Từ sự việc này cho thấy, “nuôi dạy trẻ” là một nghề rất đặc biệt. Giáo viên không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc và hơn hết đây là nghề làm vì đam mê, lòng yêu thương.
Cô Lê Thị Lan Anh, giáo viên trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Do nhu cầu từ xã hội đòi hỏi mỗi giáo viên luôn phải trau dồi kiến thức. Nếu giáo viên không thường xuyên cập nhật thông tin từ khoa học tới đời sống thì những bài giảng sẽ trở nên thiếu sức thuyết phục trong mắt các thế hệ học sinh thời đại 4.0. Người thầy không chỉ cần có kinh nghiệm mà phải biết vận dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật vào giảng dạy. Đây là áp lực không nhỏ mà mỗi giáo viên thời nay phải vượt qua”.
Để trở thành một giáo viên giỏi, mỗi thầy cô phải hiểu tâm lý của các em bằng cách tự đặt mình vào vị trí của học sinh. Khi học sinh mắc lỗi thay vì quát mắng, trách phạt, giáo viên hãy kiên nhẫn ngồi lại giảng giải, phân tích để các em hiểu ra những lỗi lầm và biết cách sửa sai. Nếu giáo viên chỉ sử dụng biện pháp mạnh mà không chịu thấu hiểu sẽ dẫn đến những tổn thương lớn hơn, khiến các em có những phản kháng tiêu cực.
“Tôi nghĩ, giáo viên không chỉ là người thầy cung cấp tri thức mà nên gần gũi như một người bạn, tình cảm như một người mẹ, để các em tin tưởng, tâm sự khi cảm thấy hoang mang hay gặp khó khăn trong cuộc sống”, cô Lan Anh bày tỏ quan điểm về giáo dục trường học.
Từ góc nhìn của phụ huynh, anh Đặng Duy Khánh (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Giáo viên nếu chỉ có kiến thức thôi thì chưa đủ mà phải có tình yêu thương con trẻ. Yêu thương, chia sẻ trong môi trường nào cũng cần thiết nhưng trong môi trường sư phạm, điều đó cần hơn tất cả. Bởi chỉ có tình yêu thương mới đem lại hiệu quả trong giáo dục. Một đứa trẻ nếu được sống trong môi trường có tình yêu thương từ gia đình, nhà trường, thầy cô, chắc chắn khi lớn lên sẽ biết sẻ chia, cảm thông và bao dung với mọi người xung quanh”.
Giáo dục không chỉ đơn thuần là sự truyền đạt về kiến thức mà còn là khoa học về con người. Từ đó, giáo viên không chỉ giỏi về kiến thức chuyên môn mà phải là một nhà tâm lý về giảng dạy.
Sự hiểu biết về tâm lý học sinh sẽ giúp các thầy cô phân tích, phân loại hành vi, suy nghĩ của các em để tìm ra nguyên nhân. Từ đó, thầy cô có thể đưa ra những quyết định đúng và trúng trong việc giáo dục, định hướng cho các em.
Cần sự cảm thông, tạo điều kiện của phụ huynh và xã hội...
Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, giáo viên trong các trường phổ thông còn thực hiện nhiệm vụ quản lý lớp học. Đó không chỉ là sự chăm chút về việc học mà còn về ăn uống, sinh hoạt của trẻ trong mỗi tiết học, giờ ra chơi, sinh hoạt tập thể…
Giáo viên phải chú ý đến tâm sinh lý, thái độ, tình cảm và những biểu hiện bất thường khác nhất là khi bỗng nhiên trẻ trầm tính, tỏ ra sợ hãi, lơ đãng. Cô giáo như "mẹ hiền" không chỉ thể hiện bằng lời nói mà phải thể hiện bằng hành động, thông qua đó bộc lộ sự quan tâm, yêu thương mỗi học sinh.
PGS. TS Lê Thị Thu Hiền, khoa Sư Phạm, Đại học Giáo Dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt câu hỏi: “Đa số giáo viên bây giờ phải “tải” một lớp học từ 45 - 60 học sinh. Chúng ta đòi hỏi cô giáo của một lớp đông học sinh như vậy là người "mẹ hiền", có phải là quá đáng không?
Tôi nghĩ không có gì quá đáng. Bởi được đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện trách nhiệm để thực hiện nhiệm vụ "trồng người", chắc hẳn thầy cô ý thức được thiên chức của một người làm công việc cao cả này. Vì thế, giáo viên phải sẵn lòng yêu trẻ. Từ đó, cô giáo phải như "mẹ hiền", thậm chí hơn cả "mẹ hiền" vì mỗi người mẹ chỉ quản lý khoảng 2 đến 3 đứa con nhưng cô giáo có tới 30 - 40 đứa trẻ trong lớp học”.
Có lẽ để có nhiều “mẹ hiền”, các phụ huynh nên nghĩ về các nhà giáo như những người "mẹ hiền" thực sự và tạo điều kiện để giáo viên trở thành "mẹ hiền" thay vì tạo áp lực, đòi hỏi quá đáng hoặc lơ là, xem chuyện đó không liên quan đến mình. Bên cạnh đó, bản thân phụ huynh là cha hiền, mẹ hiền của con thì mới có thể mong mỏi giáo viên là "mẹ hiền" của trẻ.