Cô giáo thổi đam mê cho học sinh yêu môn Hóa học
Cô chủ nhiệm của nhiều học sinh đặc biệt
Là giáo viên môn Hóa học, cô Nguyễn Thu Thảo được phân công làm giáo viên chủ nhiệm. Trong quá trình phụ trách lớp, cô Thảo gặp không ít khó khăn do lớp còn nhiều bạn có hoàn cảnh đặc biệt như: Học sinh khuyết tật, học sinh thuộc diện hộ cận nghèo, học sinh mồ côi sống ở Trung tâm nhân đạo, học sinh có bố hoặc mẹ còn đang chấp hành án phạt tù...
Cô Thảo (ngoài cùng bên phải) tại Hội đồng xét duyệt Giải thưởng Nhà Giáo Hà Nội Tâm huyết sáng tạo (Ảnh tư liệu) |
Để kết nối cả lớp, cô Thảo đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục như: Cho học sinh xem chương trình truyền hình “Điều ước thứ 7” và tổ chức thảo luận sau khi theo dõi, tới thăm gia đình những bạn có hoàn cảnh khó khăn trong lớp... Học sinh có thể trình bày suy nghĩ của bản thân vào buổi thảo luận tại lớp hoặc viết bài thu hoạch gửi lên nhóm lớp.
“Năm học 2020 - 2021, lớp tôi có 2 học sinh đặc biệt, rối loạn tâm lí phổ tự kỉ. Các em gặp nhiều khó khăn trong học tập nhưng lại có năng khiếu riêng, ví dụ như đánh đàn piano, lắp ráp mô hình. Tôi đã thường xuyên động viên học sinh có năng khiếu đánh đàn piano tham gia biểu diễn trong các buổi văn nghệ của lớp, trường; Khuyến khích em có năng khiếu lắp ráp mô hình thực hiện các bài STEM đơn giản. Từ đó các em cũng bớt rụt rè hơn và được thầy yêu, bạn mến.
Cũng trong năm học 2020 - 2021, lớp tôi có một học sinh lưu ban, hoàn cảnh khó khăn, muốn bỏ học. Tôi cùng đại diện phụ huynh lớp đã tới tận nhà gặp gia đình học sinh để động viên. Mặt khác, tôi thông qua nhiều mối quan hệ xung quanh em học sinh khuyến khích em đi học. Bên cạnh đó, tôi xin ý kiến chỉ đạo của Ban giám hiệu và hướng dẫn phụ huynh làm đơn để được hỗ trợ giảm học phí.
Khi học sinh quay trở lại trường, tôi cũng chỉ giới thiệu với lớp là bạn nhập học muộn, giao thêm một số công tác lớp như: Phụ trách nề nếp ra vào lớp, trọng tài trong các cuộc thi... để em đó cảm thấy được nhìn nhận, có trách nhiệm trong tập thể. Ngoài ra, tôi trao đổi lại tình hình với các giáo viên bộ môn trong lớp để giáo viên quan tâm hơn tới em học sinh đó.
Cô Thảo và các học sinh của mình (Ảnh tư liệu) |
Tôi cho rằng, mỗi học sinh đều có một năng lực riêng, hoàn cảnh riêng. Tôi hạn chế so sánh các em với người khác và luôn cố gắng giúp học sinh tiến bộ hơn so với chính bản thân mình. Qua nhiều hoạt động giáo dục, tôi thấy các em học được sự tôn trọng, khoan dung, yêu thương, hợp tác, đoàn kết và trách nhiệm. Tập thể lớp có sự tiến bộ rõ rệt”, cô Thảo tâm sự.
Thổi hồn vào môn Hóa khô khan
Hoá học là môn khoa học thực nghiệm khô khan, cô Thảo đã nghĩ ra nhiều sáng kiến để môn học này trở nên gần gũi với cuộc sống, khiến học sinh yêu thích hơn.
Theo đó, cô Thảo đã đưa ra đánh giá và xây dựng mục tiêu với từng học sinh, giúp các em phát huy khả năng sở trường tốt hơn dựa trên những điểm mạnh của mình. Ví dụ một học sinh gặp khó khăn trong môn Hoá học nhưng lại rất giỏi Tiếng Anh. Cô Thảo đã giao cho em đó thực hiện tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện các bài giới thiệu, các video nước ngoài ở các chủ đề Hóa học, tức là dựa vào sở trường ngoại ngữ của em đó. Qua đó học sinh nâng cao sự yêu thích với môn Hóa học, cảm thấy được khích lệ và tự tin hơn.
Cô Thu Thảo dạy môn Khoa học Tự nhiên trên kênh VTV7 (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Cũng theo cô Thảo, để học sinh yêu mến môn Hóa học, cô luôn thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Học sinh thấy thiết thực, nhận ra mọi thành phần hoá học đều có trong cuộc sống, từ đó các em có động lực học, tìm hiểu…
“Với đội tuyển học sinh giỏi, thay vì chọn học sinh, tôi để cho các em tự đăng ký tham gia. Dù năng lực mỗi em một khác nhưng niềm say mê và yêu thích môn học là yếu tố mà tôi coi trọng hơn cả. Đặc biệt, tôi không bao giờ từ chối những học sinh có ý thức vươn lên, đó là một cách mà tôi động viên và nhìn nhận học sinh, để các em có thể tiến bộ từng ngày so với chính bản thân mình”, cô Thảo cho biết.
Ý tưởng lập ra câu lạc bộ Hóa học trường THCS Trung Hòa trên nền tảng mạng xã hội Facebook cũng là một mong muốn truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn học này của cô Thảo. Nghĩ là làm, cô Thảo đã thành lập nhóm, đây là nơi kết nối, giao lưu giữa học sinh trong đội tuyển Hóa học của nhà trường và các bạn học sinh yêu thích môn học này.
Cô Thảo mời các học sinh về trường giao lưu và kết nội học tập cho đội tuyển Học sinh giỏi Hoá (ảnh tư liệu) |
Cô Thảo chia sẻ: “Tôi nhận thấy các bạn học sinh sau khi được kết nối trên nhóm đều chủ động hơn trong việc tự học, phát triển năng lực tự chủ. Tôi cũng cảm thấy tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình của các em khóa trước, được truyền dần từ khóa này đến khóa sau. Hạnh phúc của tôi là thấy học sinh ngày một tốt lên và phát triển hơn”.
Xuất phát là một giáo viên môn Hóa, chuyển qua chương trình GDPT mới phải thực hiện giảng dạy môn tích hợp Khoa học Tự nhiên là điều không dễ dàng gì. Dù thế, cô Thảo luôn cô gắng, ngoài việc tham gia tập huấn, cô giáo trẻ đã chủ động giao lưu, học hỏi với các giáo viên dạy bộ môn Lý, Sinh để trau dồi kiến thức liên môn. Cô Thảo đã kết nối cùng nhiều thầy cô thành lập nhóm Khoa học tự nhiên V1, đây là nơi trao đổi về chuyên môn, thực hiện một số dự án cho chương trình giáo dục phổ thông mới…
Không chỉ làm tốt công tác chủ nhiệm, thổi hồn vào môn Hoá học, cô Thảo còn có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm được cấp trên ghi nhận, ứng dụng hiệu quả CNTT trong giảng dạy; khơi nguồn, truyền cảm hứng cho học sinh, đồng nghiệp học tập, noi theo…
Với những việc đã làm được, cô Thảo đã được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP năm học 2020-2021; Giải Xuất sắc cấp thành phố, giải Nhất cấp Quận cuộc thi Kỹ năng CNTT dành cho giáo viên năm học 2020-2021…