Cơ hội chiêm ngưỡng “Báu vật đại ngàn” tại Hà Nội
Sâm Ngọc Linh được mệnh danh "báu vật đại ngàn"
Bài liên quan
Thủ tướng khánh thành trung tâm sản xuất sâm Ngọc Linh quy mô lớn tại Kon Tum
Cần bảo hộ thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường quốc tế
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo về trưng bày “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum- Báu vật đại ngàn” diễn ra chiều 16/1. Tại đây, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, TS Nguyễn Văn Cường cho biết: lần đầu tiên giữa lòng Hà Nội sẽ diễn ra một trưng bày quy mô và giá trị để giới thiệu về những giá trị văn hóa, con người, thiên nhiên của xứ sở đại ngàn- vùng đất Kon Tum. Không chỉ quảng bá tiềm năng, thế mạnh cũng như bản sắc văn hóa, du lịch của địa phương, trưng bày chuyên đề còn là một không gian đặc sắc góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn thông qua những giá trị đặc trưng, trong đó đặc biệt giới thiệu về cây Sâm Ngọc Linh- báu vật của đại ngàn trong thảm thực vật núi Ngọc Linh, Kon Tum.
Bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch, thông qua trưng bày, tỉnh Kon Tum cũng mong muốn định vị thương hiệu các sản phẩm du lịch của địa phương, xây dựng hình ảnh mới về Kon Tum với khát vọng vươn lên dựa trên nền tảng văn hóa, sự đoàn kết thống nhất trong đa dạng.
Quang cảnh buổi họp báo về trưng bày “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum- Báu vật đại ngàn” |
Ngày 5/9/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đến thăm Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum đã đánh giá sâm Ngọc Linh là “quốc bảo của Việt Nam”, là “quốc kế dân sinh”, “niềm tự hào của dân tộc”. Ngày 6/9/2018, tại Hội nghị đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu, Thủ tướng đã chỉ đạo, yêu cầu cần phải xây dựng một chiến lược đại chúng hóa, tăng cường quảng bá, xây dựng thành thương hiệu quốc gia Việt Nam cho sản phẩm, từng bước vươn ra thị trường quốc tế.
Trưng bày “Di sản văn hóa, sâm Ngọc Linh Kon Tum- Báu vật đại ngàn” là một hoạt động nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Qua đó, tăng cường hoạt động quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu về giá trị đặc biệt của sâm Ngọc Linh cũng như di sản lịch sử văn hóa Kon Tum đến với du khách trong và ngoài nước, nhằm xây dựng thương hiệu và thu hút du khách.
Đồng thời, để giúp người dân Hà Nội hiểu hơn về quá trình cây sâm Ngọc Linh lớn lên từ núi rừng với chất đất, chất nước đặc biệt, đơn vị tổ chức còn tiến hành trưng bày thực cảnh, tái hiện rừng sâm Ngọc Linh ngay tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia từ môi trường, cảnh quan, sự đa dạng sinh học của vùng rừng núi Ngọc Linh-không gian sinh tồn của sâm Ngọc Linh đến lịch sử phát hiện, nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen gốc, nhân giống và phát hiện diện tích trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng…
Đặc biệt, tại trưng bày lần này, một lượng sâm Ngọc Linh chính gốc sẽ được giới thiệu tới người dân Hà Nội. Ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, vì việc ươm giống Ngọc Linh hoàn toàn theo tự nhiên, không có bất kỳ sự can thiệp của khoa học công nghệ nên số lượng Ngọc Linh mang ra Hà Nội để trưng bày là chủ yếu, lượng bán ra rất hạn chế.
Triển lãm khai mạc ngày 20/1 tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia và sẽ kéo dài đến hết năm 2019.