Cơ hội phát triển làng nghề "xanh hoá", giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Nhức nhối vấn nạn ô nhiễm môi trường ở làng nghề
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, có 334 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã gồm: 269 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề, 60 làng được công nhận danh hiệu Làng nghề truyền thống, 5 nghề được công nhận Nghề truyền thống.
Hà Nội hội tụ tinh hoa nghề thủ công truyền thống, chiếm 1/3 tổng số làng nghề trên cả nước |
Những năm qua, thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách, quan tâm hỗ trợ các làng nghề phát triển, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm.
Nhờ đó, tổng doanh thu hằng năm của 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đạt trên 24.000 tỷ đồng/năm. Thu nhập của người dân làng nghề cũng tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị kinh tế, sự phát triển của các làng nghề cũng kéo theo vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề. Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường, chỉ có 6/65 làng nghề đạt các tiêu chuẩn an toàn môi trường.
Các làng nghề gây ô nhiễm chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề như: Thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản - thực phẩm, dệt - may mặc, gia công cơ kim khí… Trong khi đó, có đến 36% tổng số hộ sản xuất trong các làng nghề không có công trình xử lý chất thải; khoảng 60% số hộ có hệ thống xử lý nhưng còn rất thô sơ, chưa đạt quy chuẩn.
Đi cùng với nhịp độ sản xuất hối hả của các làng nghề là tình trạng xả rác, khí, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường tại các vùng ngoại thành, khiến môi trường sống của người dân thêm ô nhiễm.
Rác thải tập kết tại một tuyến đường ở xã La Phù (huyện Hoài Đức). Ảnh: Nguyên Hà |
Càng vào dịp cuối năm và sát Tết âm lịch, làng nghề bánh kẹo La Phù (Huyện Hoài Đức) càng bận rộn vào "vụ" với hàng trăm cơ sở sản xuất khác nhau. Nghề sản xuất bánh kẹo ở La Phù phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành mũi nhọn của huyện Hoài Đức góp phần giải quyết nhiều công ăn việc làm không chỉ cho lao động địa phương mà còn thu hút lao động ở các địa phương khác, góp phần ổn định và nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng đã diễn ra nhiều năm trên địa bàn.
Cơ chế đặc thù để thúc đẩy, gìn giữ và phát triển làng nghề
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, làng nghề là nơi lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, trong đó có giá trị đã tồn tại hàng nghìn năm. Sự phát triển của làng nghề đã giúp văn hóa Hà Nội và Việt Nam vươn ra thế giới.
Những năm qua, lãnh đạo TP Hà Nội rất quan tâm đối với sự phát triển của các làng nghề. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề.
Diện mạo nông thôn mới khang trang của xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) |
Hướng đến xây dựng hạ tầng đô thị xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững các làng nghề của Thủ đô, Luật Thủ đô năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đã có những cơ chế đột phá, vượt trội.
Để giảm tải áp lực lên môi trường, Luật còn quy định các biện pháp khuyến khích hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, cơ sở sản xuất thuộc ngành, nghề không ưu tiên phát triển tại làng nghề ở nông thôn.
Cụ thể, tại mục e, khoản 3, điều 21 quy định phố cổ, làng cổ, làng nghề, làng có nghề truyền thống tiêu biểu là các khu vực, di tích, di sản công trình được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa.
Tại khoản 8, điều 21 quy định: “TP Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, trên cơ sở bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống”.
Với nội dung xây dựng các khu vực nông thôn với các tiêu chí tiệm cận tiêu chí của đô thị; xây dựng các làng nghề thành không gian văn hóa phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; phát triển mô hình du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp. Đây là điểm kỳ vọng để tạo ra sức bật cho du lịch nông nghiệp, nông thôn và các làng nghề của Hà Nội phát triển "xanh hoá" một cách mạnh mẽ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Quy hoạch phát triển không gian thông qua Dự án đường Vành đai 4 được nêu trong Quy hoạch Thủ đô mới cũng sẽ là nguồn lực để các địa phương phát triển hạ tầng, từ đó, hình thành tuyến giao thông kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề.