Độc đáo “Sắc hoa trên miền di sản”
Khai mạc lễ hội cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng Độc, lạ “vườn hoa giấy tự nở” tại Vincom Con đường hoa giấy ở Đà Nẵng bỗng “gây sốt” trong giới trẻ Chuyện “đài sen hóa giấy” của người đàn ông Hà Nội |
Với truyền thống cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, những năm qua, Nhân dân Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ trồng lúa, chăn nuôi sang trồng cây cảnh hoa giấy, đem lại giá trị kinh tế cao. Nhờ đó đã tạo nên thương hiệu “Cây cảnh hoa giấy Phù Đổng”.
Đặc biệt, người dân Phù Đổng còn có bí quyết làm cây hoa giấy nở với 5 - 7 loại màu khác nhau như: Đỏ, hồng, trắng, cam, tím… nở quanh năm, bông to, sắc thắm. Đến làng hoa giấy Phù Đổng, du khách được tham gia trải nghiệm thực tế vào quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cắt tỉa các loại hoa, cây cảnh để cảm nhận được sự tỉ mỉ, công phu, khéo léo và kiên trì của người dân Phù Đổng trong thiết kế, sáng tạo những tác phẩm mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Năm 2023, Phù Đổng có sản phẩm hoa giấy bonsai và hoa giấy ngũ sắc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng năm nay diễn ra từ ngày 12 đến 17/11/2024 với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trưng bày, trình diễn nghệ thuật độc đáo, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị cho Nhân dân và du khách thập phương. Ảnh: Ánh Dương |
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Viết Cường cho biết: Làng nghề cây cảnh hoa giấy Phù Đổng được hình thành hơn 20 năm. Đến nay nghề trồng hoa giấy ở Phù Đổng ngày càng phát triển, trở thành nghề chính của xã với hàng trăm hộ trồng hoa.
Không chỉ trồng hoa đơn thuần, người dân Phù Đổng còn sáng tạo, uốn ghép cây hoa giấy thành nhiều kiểu dáng theo phong cách hiện đại với các thế cây độc đáo, ý nghĩa như: Phụ tử nghinh phong, Ngũ phúc, Mẫu tử, Phụ tử, Huynh đệ… Đặc biệt, hoa giấy Phù Đổng có bông to, nhiều màu sắc như đỏ, hồng, trắng, cam, tím… và nở quanh năm.
Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh cho biết: Sau khi xã được công nhận là “Điểm du lịch” của thành phố và “Làng nghề cây cảnh hoa giấy”, cán bộ, Nhân dân địa phương đã tập trung phát triển, khai thác các thế mạnh về du lịch, dịch vụ; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với các tiêu chí thành lập phường.
Xã Phù Đổng đón nhận quyết định nhãn hiệu tập thể “Hoa giấy Phù Đổng” |
Phát huy thế mạnh của địa phương, làng nghề cây cảnh, hoa giấy phát triển mạnh mẽ, đến nay toàn xã có hơn 400 hộ sản xuất hoa trên diện tích hơn 300ha, giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 900 triệu đồng/ha/năm.
Tiếp nối thành công của “Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng” lần thứ nhất năm 2023, Lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng năm nay diễn ra từ ngày 12 đến 17/11/2024 với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trưng bày, trình diễn nghệ thuật độc đáo, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị cho Nhân dân và du khách thập phương.
Lễ hội có chủ đề: “Sắc hoa trên miền di sản”. Đây là năm thứ hai, huyện tổ chức lễ hội cây cảnh hoa giấy Phù Đổng, nhằm hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.
Các hoạt động tại lễ hội gồm: Trưng bày, giới thiệu các cây hoa, cây cảnh đặc sắc, tiêu biểu của làng nghề hoa giấy Phù Đổng và các đơn vị bạn; trưng bày giới thiệu các sản phẩm du lịch của các điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm; tổ chức hội thi tạo hình, ghép cây “Hoa giấy Phù Đổng"; tổ chức hội nghị xúc tiến, kết nối du lịch Phù Đổng và các đơn vị lữ hành nhằm tăng cường, thúc đẩy quảng bá điểm du lịch Phù Đổng; tổ chức diễu hành xe mô hình trang trí hoa giấy chào mừng lễ hội. Ngoài ra còn có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; các hoạt động vui chơi, giải trí; trò chơi dân gian...
Các đại biểu tham quan sản phẩm hoa giấy tại Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng |
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh, mặc dù bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khiến hầu hết số hộ trồng hoa giấy bị thiệt hại, song chỉ sau một tháng khắc phục, những cánh đồng hoa giấy lại rực rỡ sắc màu, đón chào một mùa vụ mới. Sau khi triển khai kế hoạch tổ chức “Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng” năm 2024, đã có 70 nhà vườn với 150 cây thế và 200 cây nền tham gia.
Thành công của lễ hội cây cảnh, hoa giấy lần thứ nhất đã khiến “Sắc hoa trên miền di sản” xã Phù Đổng ngày càng vươn xa; rất nhiều du khách và khách hàng từ các tỉnh, thành trên cả nước đã tìm đến Phù Đổng, trong đó có cả những khách hàng từ những vùng hoa nổi tiếng của cả nước như Sa Đéc (Đồng Tháp), Đà Lạt (Lâm Đồng), Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng… Do đó, địa phương kỳ vọng tiếp tục thu hút được nhiều hơn nữa các khách hàng tiềm năng đến với làng nghề Phù Đổng cũng như du lịch Phù Đổng trong thời gian tới.
Tại lễ hội, xã Phù Đổng vinh dự được Cục Sở hữu trí tuệ trao quyết định nhãn hiệu tập thể “Hoa giấy Phù Đổng”. Đây là sự khẳng định đối với hoa giấy Phù Đổng trên thị trường, góp phần quan trọng vào việc bảo hộ sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.