Cơ sở giết mổ gia súc nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm
![]() |
Cơ sở giết mổ bò của hộ ông Hồ Duy Vũ tại phường Điện Dương gây ô nhiễm môi trường |
UBND phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính 1,9 triệu đồng đối với một cơ sở giết mổ gia súc gây ô nhiễm môi trường kéo dài nằm ngay trong khu dân cư.
Điều đáng nói, cơ sở giết mổ gia súc này "đóng đô" giữa khu dân cư đông đúc, phía sau là trường tiểu học, trước là Trung tâm y tế, quỹ tín dụng, nghĩa trang liệt sĩ. Cơ sở này hoạt động suốt thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sức khỏe của các hộ dân.
Xả thải ra môi trường
Không thể chịu nổi mùi hôi thối, ruồi nhặng tấn công khu dân cư, người dân sinh sống tại khối Hà My Trung đã có đơn khiếu nại gửi UBND phường Điện Dương đối với cơ sở giết mổ gia súc của ông Hồ Duy Vũ tại số 188 Lạc Long Quân (khối Hà My Trung, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong suốt thời gian dài nhưng chính quyền địa phương vẫn cho tồn tại.
Vào cuộc xử lý, ngày 8/4/2025, UBND phường Điện Dương đã lập tổ kiểm tra và trực tiếp "mục sở thị" cơ sở giết mổ gia súc của hộ ông Vũ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng phát hiện cơ sở giết mổ này có phát sinh nước thải ra ngoài nhưng không có công trình thiết bị xử lý nước thải tại chỗ theo quy định, đồng thời gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài việc giết mổ cơ sở kinh doanh này còn thường xuyên nhốt một số lượng bò dự trữ rất lớn ở phía sau.
Theo đó, tại cuộc họp giải quyết khiếu nại, người dân kiên quyết đề nghị chính quyền địa phương cho dừng ngay hoạt động đối với cơ sở giết mổ trái quy định này, di dời cơ sở đến nơi khác; đồng thời xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hộ kinh doanh này.
![]() |
Cơ sở giết mổ bò của hộ ông Hồ Duy Vũ tại phường Điện Dương gây ô nhiễm môi trường |
![]() |
Theo UBND phường Điện Dương, cơ sở của ông Hồ Duy Vũ bị xử phạt 1,9 triệu đồng do có hành vi vi phạm hành chính: Cơ sở kinh doanh quy mô hộ gia đình, cá nhân có phát sinh nước thải, khí thải không có công trình thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, vi phạm tại khoản 3, điều 53, Luật Bảo vệ môi trường số 72 năm 2020.
UBND phường Điện Dương cho rằng, trước đây có hai cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn gây bức xúc trong Nhân dân cũng đã được chính quyền phối hợp với đơn vị liên quan di dời về cơ sở giết mổ gia súc tập trung thuộc phường Thanh Hà (TP Hội An), tránh gây ô nhiễm môi trường.
Đối với cơ sở giết mổ gia súc của hộ ông Vũ, đại diện UBND phường Điện Dương cho biết phía chính quyền đã có kế hoạch di dời về cơ sở giết mổ gia súc tập trung thuộc phường Thanh Hà (TP Hội An).
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở giết mổ gia súc tập trung này đã không còn chỗ để bố trí cho trường hợp của hộ ông Vũ.
![]() |
Cở sở lắp đặt tôn và rào kín mít với khu dân cư |
Người dân yêu cầu xử lý dứt điểm
Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ sở giết mổ gia súc của hộ ông Hồ Duy Vũ gây ô nhiễm môi trường đã hoạt động và tồn tại trong khu dân cư suốt nhiều năm nay.
Cơ sở này trước đây nhiều lần bị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo UBND phường Điện Dương, hộ ông Hồ Duy Vũ được Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Điện Bàn cấp Giấy Chứng nhận đăng ký doanh ngày 4/3/2024.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã cho biết, phía đơn vị chỉ cấp Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn việc đăng ký kinh doanh ngành nghề gì thì cá nhân, tổ chức đó phải đăng ký cụ thể với đơn vị có chuyên môn (ví dụ như về lĩnh vực môi trường, PCCC, xây dựng...).
Đối chiếu Điều 20, Nghị định số 66 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì hộ kinh doanh của ông Vũ đã có dấu hiệu vi phạm rõ ràng các quy định về địa điểm giết mổ, hệ thống thoát nước thải, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường thị xã Điện Bàn, trên địa bàn thị xã hiện nay có các khu vực được quy hoạch đầu tư xây dựng lò giết mổ động vật theo quyết định của UBND tỉnh. Riêng khu vực phường Điện Dương không có cơ sở nằm trong quy hoạch nói trên.
Như vậy, cơ sở giết mổ gia súc của hộ ông Hồ Duy Vũ "đóng đô" giữa khu dân cư, nằm gần trường học, Trạm Y tế phường, Quỹ tín dụng phường Điện Dương, Công an phường... nhưng lại được tồn tại và hoạt động gây ô nhiễm môi trường là điều vô lý, cần xử lý dứt điểm.
Điều 20 Nghị định số 66 năm 2016 của Chính phủ có quy định điều kiện đầu tư kinh doanh cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm: 1. Về nhân lực: a) Chủ cơ sở, người trực tiếp giết mổ, sơ chế có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; b) Chủ cơ sở và người trực tiếp giết mổ, sơ chế phải đáp ứng yêu cầu về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế. 2. Về địa điểm giết mổ: a) Tách biệt với khu vực ô nhiễm môi trường đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố theo quy định của pháp luật; các khu tập trung, xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện; b) Tách biệt khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm trước khi giết mổ; khu vực giết mổ và khu vực xử lý sau giết mổ; khu vực vệ sinh, thay đồ bảo hộ; c) Có nước sử dụng cho giết mổ, sơ chế đáp ứng các quy định kỹ thuật tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống; nước để vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị, dụng cụ đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 02:2009/BYT về chất lượng nước sinh hoạt; d) Có hệ thống thoát nước thải chảy từ khu vực yêu cầu vệ sinh cao sang khu vực yêu cầu vệ sinh thấp hơn; dụng cụ thu gom chất thải rắn có nắp đậy và lưu trữ ở khu vực riêng biệt. 3. Có thiết bị, dụng cụ giết mổ, sơ chế, chứa đựng đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-1:2011/BYT về an toàn vệ sinh đối với bao bì, dụng cụ bằng nhựa tổng hợp tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-2:2011/BYT về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng cao su tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12-3:2011/BYT về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ bằng kim loại tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. |
Quyết định số 3279 năm 2022 của UBND tỉnh Quảng Nam có ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2022 - 2026). Cụ thể, trong giai đoạn 2022 - 2025, tiếp tục duy trì 19 cơ sở giết mổ động vật tập trung quy mô lớn đã xây dựng, hoạt động (trong đó có 16 cơ sở tập trung được xây dựng theo Quyết định số 1967 năm 2008 của UBND tỉnh); nâng cấp, cải tạo 2 cơ sở quy mô lớn (xã Đại Lãnh và xã Duy Sơn tại huyện Đại Lộc và huyện Duy Xuyên); đồng thời chuyển đổi 2 cơ sở tại huyện Bắc Trà My và huyện Phước Sơn thành cơ sở mô nhỏ để tiếp tục cải tạo, nâng cấp đảm bảo hoạt động. Giai đoạn 2022 - 2025 theo kế hoạch cũng sẽ đầu tư xây dựng mới đưa vào sử dụng 13 cơ sở gồm 7 cơ sở quy mô lớn và 6 cơ sở quy mô nhỏ, đồng thời xóa bỏ 2 cơ sở theo Quyết định số 1967của UBND tỉnh. Theo kế hoạch, tại TP Hội An, sau năm 2022 sẽ không còn cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ trong khu dân cư; không bố trí xây dựng thêm cơ sở tại TP Hội An vào Kế hoạch cơ sở giết mổ của tỉnh nhằm bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững. Toàn bộ hộ kinh doanh giết mổ của TP Hội An chuyển tập trung về giết mổ tại tại CCN Thanh Hà hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Tại các địa phương Phú Ninh, Đại Lộc, Quế Sơn, Thăng Bình và Núi Thành, đến năm 2025 sẽ hoàn thành xong kế hoạch cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh; không còn cơ sở nhỏ lẻ. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Hưởng ứng chiến dịch “Trồng 1 tỷ cây xanh"

Không khí lạnh ảnh hưởng tới Bắc Bộ

Quảng Nam: Rừng thông trốc gốc, bờ biển tan hoang

Xử lý nghiêm tình trạng đổ phế thải trái phép ra sông Hồng

ABBANK gây quỹ thành công 100.000 cây quế tặng bà con tỉnh Yên Bái

Từ đêm 12/4, Bắc Bộ trời chuyển lạnh

TP Hồ Chí Minh: Giải pháp tiết kiệm điện, chuyển đổi xanh mùa nóng

Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, trưa hửng nắng

Đắk Lắk quyết liệt thu hồi gần 128.000ha đất rừng bị lấn chiếm
