Công an Bình Dương diễn tập sự cố cháy nổ lớn tại doanh nghiệp
Người dân tích cực tham gia diễn tập chữa cháy, cứu nạn Diễn tập chữa cháy, cứu nạn tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Giúp người dân ứng phó, xử lý nhanh, hiệu quả tình huống cháy, nổ |
Tham dự có ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh.
Công ty Cổ phần Công nghiệp DSVK, chuyên sản xuất, gia công đồ nội thất gỗ nên chứa rất nhiều vật liệu dễ cháy như gỗ, vải, mút xốp, keo, nhựa…Công ty có diện tích gần 124.000m2, gồm 11 nhà xưởng cao 4 tầng, số lượng công nhân khoảng 2.700 người.
Tình huống giả định là một đám cháy lớn bùng phát tại tầng 3 xưởng sản xuất số 10, do chập điện từ máy may. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng vì các vật liệu dễ cháy như gỗ, vải, mút xốp. Khói đen dày đặc gây khó thở, khiến nhiều công nhân mắc kẹt.
Quản lí thông báo cháy để công nhân chạy thoát thân (Ảnh: Thanh Thảo) |
Lực lượng chữa cháy tại chỗ lập tức triển khai sơ tán, bảo vệ tài sản và báo động đến các lực lượng chức năng.
Lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp được điều động đến hỗ trợ dập lửa (Ảnh: Tâm Trang) |
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng, đám cháy được khống chế kịp thời, không gây thiệt hại về người.
Nạn nhân bị thương, ngạt khói được đưa lên xe cấp cứu (Ảnh: Thanh Thảo) |
Túi hơi được bơm lên để các nạn nhân ở các tầng thấp có thể nhảy xuống an toàn (Ảnh: Tâm Trang) |
Lực lượng chữa cháy dập tắt đám cháy (Ảnh: Đình Trọng) |
Cuộc diễn tập được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, huy động 15 cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, cùng khoảng 591 người tham gia. Ngoài lực lượng trong tỉnh, Công an tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Đồng Nai, đưa vào sử dụng 6 xe chuyên dụng và 26 cán bộ chiến sĩ hỗ trợ chữa cháy.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) nếu không được xử lý kịp thời, đám cháy có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, đe dọa tính mạng công nhân và làm sập đổ công trình.
Cuộc diễn tập được thực hiện qua bốn giai đoạn: giai đoạn 1, cơ sở triển khai thoát nạn, chữa cháy ban đầu và báo cáo cơ quan chức năng; giai đoạn 2, lực lượng Công an tỉnh phối hợp triển khai tìm kiếm cứu nạn và chữa cháy; giai đoạn 3, bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng các cơ quan, tổ chức hỗ trợ cứu nạn, chữa cháy; giai đoạn 4, các lực lượng Công an TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai chi viện xử lý tình huống.
Tại buổi diễn tập, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác diễn tập trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phòng cháy chữa cháy.
Ông Mai Hùng Dũng tặng hoa các lực lượng phối hợp diễn tập (Ảnh: Tâm Trang) |
Ông Mai Hùng Dũng cũng yêu cầu tổ chức họp đánh giá toàn diện sau diễn tập để bổ sung, hoàn thiện phương án, đảm bảo tính sát thực tế. Cuộc diễn tập không chỉ giúp các lực lượng thuần thục kỹ năng xử lý mà còn nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân viên và lực lượng tại chỗ về nguy cơ và cách ứng phó với các tình huống cháy nổ phức tạp.
Với nhiều doanh nghiệp sản xuất gỗ, nội thất có nguy cơ cháy nổ cao, Bình Dương xem công tác diễn tập PCCC là nhiệm vụ cấp bách. Đây là cơ hội để các lực lượng trong và ngoài tỉnh củng cố khả năng phối hợp, sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố thực tế.