Công an tỉnh Bình Dương dẹp yên "ma trận", trả lại uy tín, sự bình yên cho thị trường bất động sản
Bình Dương phải "xem khó khăn của doanh nghiệp là của mình" Lãnh đạo tỉnh Bình Dương thăm và động viên đội tuyển U20 Việt Nam |
Với một thành phố phát triển và năng động như Bình Dương, thị trường bất động sản vô cùng sôi động, là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Tuy vậy, như một mặt trái của sự phát triển, thị trường này cũng luôn đi kèm tính chất phức tạp và rủi ro rất cao khi trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi.
Với nỗ lực và nghiệp vụ ngày càng nâng cao, lực lượng Công an Bình Dương, cụ thể là PC03 đã từng bước dẹp yên những "ma trận" này, trả lại uy tín và bình yên cho thị trường bất động sản để nhà đầu tư yên tâm đến theo chính sách “trải chiếu hoa” của tỉnh nhà.
Bài 1: Nhiều chủ đầu tư bất chấp để giao dịch trái luật?
Qua công tác thanh, kiểm tra, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương phát hiện hàng loạt chủ đầu tư cố ý đổi tên dự án “công khai không đúng các nội dung về dự án bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định” để giới thiệu, huy động vốn...
Nhan nhản tình trạng “mua bán lúa non”
Theo danh sách Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương công bố từ năm 2016 đến ngày 30/4/2022, trên địa bàn có 72 dự án phát triển nhà ở (đất nền) được phép chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây nhà ở; 81 dự án nhà ở được bán hình thành trong tương lai.
Hình ảnh dự án khu dân cư Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương |
Ngoài danh sách trên, đến nay trên địa bàn còn rất nhiều dự án đang rầm rộ rao bán rầm rộ như: Dự án chung cư An Phú (An Phú, Thuận An) do Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Phú Land làm chủ đầu tư được chào bán với tên thương mại Tecco Felice Homes; Dự án Khu nhà ở cao tầng Hoàng Nam (phường Bình An, TP Dĩ An) do Công ty TNHH DV BĐS và Xây dựng Hoàng Nam làm chủ đầu tư đang chào bán với tên thương mại Honas Residence; Khu nhà ở Đức Phát 3 (thị trấn Lai Uyên, Bàu Bàng) do Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Đức Phát làm chủ đầu tư với tên thương mại Dream City cùng hàng chục các dự án lớn nhỏ khác.
Các dự án trên mặc dù không có trong danh sách Sở Xây dựng công khai đủ điều kiện chuyển nhượng cho người dân xây nhà, đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai nhưng đã tiến hành chào bán, thu tiền của nhiều khách hàng với hình thức phiếu giữ chỗ, phiếu cọc, hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng góp vốn, hợp đồng cam kết đầu tư, hợp đồng hứa… Số tiền thu từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng cho mỗi sản phẩm trong các dự án.
Những hợp đồng này dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro cho khách hàng từ việc buộc phải xây nhà mới có sổ, xây nhà theo thiết kế chủ đầu tư, chủ đầu tư chiếm dụng vốn không triển khai dự án, chủ đầu tư thế chấp sổ ngân hàng, chủ đầu tư gặp rủi ro tài chính…
Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai đã quy định rất rõ về các điều kiện cần và đủ khi giao dịch liên quan mua bán đất, nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai để tránh những trường hợp rủi ro đáng tiếc xảy ra. Từ đó, cơ quan chức năng có căn cứ điều tra, làm việc để trả lại quyền lợi cho nhà đầu tư.
Việc khách hàng giao dịch tại các dự án chưa được chính quyền địa phương cho phép là đang bất chấp rủi ro có thể xảy ra. Thậm chí, nhà đầu tư có thể mất trắng.
Vì đâu nên nỗi?
Tiềm ẩn nguy cơ rủi ro vô cùng lớn nhưng nguyên nhân nào khiến những dự án này vẫn “hút” khách hàng, được rao bán rầm rộ?
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương chia sẻ: "Nhiều dự án không đủ tính pháp lý nhưng được rao bán rầm rộ; Một số dự án không có thực (chỉ rao bán trên giấy hay còn gọi là dự án “ma”) nhưng các đối tượng đã dẫn dụ người dân chưa nắm thông tin, chưa hiểu quy định pháp luật nhưng lại ký kết mua bán thông qua hợp đồng đặt chỗ, góp vốn, hợp đồng phân chia lợi nhuận... trái quy định pháp luật".
Hình ảnh vắng vẻ, đìu hiu ở dự án Đông Bình Dương |
Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương nhận định: Vẫn còn một số chủ đầu tư triển khai đầu tư dự án không đúng tiến độ; Chưa hoàn thiện đầu tư hạng mục hạ tầng kỹ thuật; Chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép huy động vốn theo quy định pháp luật nhưng đã rao bán, huy động vốn thông qua các hình thức nêu trên. Các chủ đầu tư không thực hiện đúng nội dung cam kết trong nội dung hợp đồng đã gây ra việc khiếu kiện, tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân bởi các nhà đầu tư lợi dụng lòng tin của người dân rồi tiến hành rao bán sản phẩm trên giấy nhằm trục lợi cá nhân. Một số người dân vì lòng tham, lợi nhuận nên đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong các giao dịch tại dự án không có trên thực địa (dự án “ma”).
Bên cạnh đó, một số cá nhân mặc dù biết dự án chưa đủ điều kiện được phép chuyển nhượng sản phẩm và chưa đủ điều kiện huy động vốn theo quy định pháp luật nhưng vẫn cố tình mua vì lợi nhuận. Họ cho rằng, mua khi dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng sẽ thấp hơn khi dự án đã đảm bảo các điều kiện theo quy định.
“Đối với các trường hợp viện dẫn trên, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã công khai các dự án đủ điều kiện được huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên website của Sở nhưng việc này chưa thật sự mang lại hiệu quả cao. Nguyên nhân do một số cá nhân chưa có thói quen tìm hiểu kỹ pháp lý của các dự án trước khi thực hiện giao dịch bất động sản theo quy định”, ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có khoảng trên 520 dự án phát triển nhà ở thương mại đã và đang đầu tư. Ngoài các dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng, hiện có trên 350 dự án nhà ở đang triển khai. Các dự án nhà ở phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các khu vực đô thị phía Nam của tỉnh; Các dự án mới được đăng ký phát triển nhà ở trong thời gian gần đây có xu thế lan rộng và phát triển lên khu vực phía Bắc của tỉnh Bình Dương. |
(Còn nữa)