Công đoàn Việt Nam luôn là điểm tựa của mỗi công nhân lao động trẻ
LTS: Năm 2021 dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 nhưng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, dồn toàn lực chăm lo, hỗ trợ người lao động với nhiều cách làm sáng tạo; Nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, đồng hành cùng doanh nghiệp; Những cách làm hay, mô hình tốt được triển khai rộng rãi đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội và nhận được hưởng ứng tích cực của đông đảo đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước…
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trò chuyện với người lao động tại một phân xưởng sản xuất |
- Thưa ông, dịch bệnh COVID-19 tác động đến mọi đối tượng trong xã hội, trong đó có đối tượng công nhân trẻ. Qua theo dõi của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông có thể đánh giá khái quát về những tác động cụ thể này đối với công nhân trẻ?
- Đúng là dịch bệnh tác động đến mọi giai tầng trong xã hội, nhưng công nhân, người lao động (NLĐ) tự do là đối tượng dễ bị tổn thương và ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất. Tác động của dịch bệnh đối với công nhân trẻ và gia đình họ rất toàn diện.
Về việc làm: Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng ở mức s5,35%, gấp 2,3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung năm 2020. Có gần 10 triệu công nhân lao động bị ảnh hưởng đến việc làm gồm ngưng, giãn, mất việc làm; Cả nước có gần 2 triệu công nhân lao động mất hoặc thay đổi việc làm.
Về tiền lương và thu nhập: Theo nghiên cứu của chúng tôi, 56% NLĐ bị giảm lương cơ bản. Tình hình kinh tế, tài chính, chi tiêu của cá nhân và gia đình rất khó khăn: 56.7% NLĐ phải tiết kiệm triệt để các khoản chi tiêu. 25,9% phải vay mượn người thân, ngân hàng. 15,2% NLĐ phải dùng đồ quyên góp, ủng hộ, tặng miễn phí. 12% phải xin trợ cấp của địa phương, cơ quan. Đặc biệt, 1,7% phải vay lãi suất cao (tín dụng đen, bán sổ bảo hiểm).
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Công ty TNHH Sakurai Việt Nam |
Về đời sống: 58,1% công nhân cho biết các khu công nghiệp (KCN) thiếu nhà. Số lượng, chất lượng bữa ăn bị giảm sút: 50.3% NLĐ phải giảm ăn thịt, cá; 23,7% NLĐ phải giảm bữa, gộp bữa. 18,8% NLĐ bị thiếu rau xanh. Đặc biệt, 17,7% NLĐ rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm.
Việc sức khỏe: 90% F0 bị “hội chứng hậu COVID-19”, dấu hiệu sức khỏe đi xuống. Các tác động tâm lý, tinh thần: 37,3% NLĐ có tâm lý bi quan về tình hình việc làm trước tác động của dịch COVID-19. Lo bị mất việc, bị sa thải mất nguồn thu nhập, mất sinh kế. Ngoài ra còn những căng thẳng, mệt mỏi khi tham gia sản xuất “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp trong thời gian dài, lo lắng bị lây nhiễm, tử vong. Một bộ phận lao động trẻ có nguy cơ rơi vào tình trạng trầm cảm, lo âu.
- Để chăm lo, hỗ trợ cho những công nhân trẻ bị tác động bởi dịch bệnh, Tổng Liên đoàn cũng như các đoàn thể đã có những hoạt động gì?
- Trong bối cảnh dịch bệnh, NLĐ gặp vô vàn khó khăn, tổ chức Công đoàn đã nhận thức rõ vai
"Mỗi đoàn viên, NLĐ hãy cùng nhau nỗ lực vượt khó, đảm bảo an toàn, đoàn kết một lòng, không ngừng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, lao động sáng tạo, cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh, phục hồi kinh tế". |
trò, trách nhiệm của mình, triển khai nhiều hoạt động kịp thời chăm lo, hỗ trợ NLĐ, trong đó phần lớn là công nhân lao động trẻ.
Tổng Liên đoàn ban hành kịp thời các gói hỗ trợ cho NLĐ, trong đó đối tượng thụ hưởng hướng đến nhiều là nhóm công nhân lao động trẻ, gặp khó khăn. Tiêu biểu như: Hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị tử vong, F0, F1, F2, bị cách ly, phong tỏa, giãn việc, mất việc do COVID-19; Hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng cho lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn cũng tổ chức tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do COVID-19; Hỗ trợ thêm cho công nhân nữ đang mang thai và nuôi con dưới 6 tuổi, miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đoàn viên gặp khó khăn; Phát động chương trình “Vắc xin cho công nhân” và đóng góp ủng hộ cho Quỹ Vắc xin phòng COVID-19, triển khai nhiều mô hình hỗ trợ công nhân; Hàng vạn cán bộ công đoàn ngày đêm hết mình vì NLĐ, không ít người trở thành lực lượng tuyến đầu...
Các cấp Công đoàn đã chi một nguồn lực tài chính Công đoàn lớn chưa từng có với hơn 6 nghìn tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho hàng chục triệu đoàn viên, NLĐ.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa trao quà cho người lao động Công ty TNHH Sakurai Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 |
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất, kiến nghị với Chỉnh phủ xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời cho công nhân lao động. Tiêu biểu như: Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, Tổng Liên đoàn còn chủ động, tích cực kiến nghị chính sách với các Bộ về giảm giá tiền điện, tiền thuê nhà cho công nhân lao động, việc ưu tiên tiêm vắc xin sớm cho công nhân.
Bên cạnh đó, chúng tôi kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa, chung tay chia sẻ, giúp đỡ công nhân lao động. Cán bộ công đoàn trực tiếp, thường xuyên, chia sẻ, động viên tinh thần, chăm lo hỗ trợ về chật chất để NLĐ khắc phục, vượt qua khó khăn.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (thứ 3 bên phải) trao hỗ trợ cho đại diện đoàn viên, người lao động TP Hà Nội |
- Nhân dịp năm mới, ông có nhắn nhủ gì đến những công nhân trẻ?
- Dịch bệnh còn phức tạp, chúng ta tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hạn chế di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán. Mỗi đoàn viên, NLĐ hãy cùng nhau nỗ lực vượt khó, đảm bảo an toàn, đoàn kết một lòng, không ngừng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, lao động sáng tạo, cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh, phục hồi kinh tế. Công đoàn Việt Nam luôn bên cạnh các bạn, là điểm tựa vững chắc của mỗi công nhân trẻ.