Công tác phòng cháy, chữa cháy: Chủ quan một chút, thiệt hại khó lường
Cháy nổ gây thiệt hại lớn
Theo thông tin từ Cảnh sát PC&CC Hà Nội, tính từ ngày 16/11/2016 đến 31/7/2017, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 605 vụ cháy lớn nhỏ khiến 18 người chết, 5 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính gần 400 tỉ đồng và 55ha rừng. Nguyên nhân do sự cố điện 343 vụ; 148 vụ sơ xuất khi sử dụng lửa; 10 vụ tự đốt; 8 vụ hàn cắt; 6 vụ do sự cố máy móc; 4 vụ đốt vàng mã tháp hương, 1 vụ sơ xuất khi sử dụng nguồn nhiệt; 85 vụ đang điều tra.
Đáng chú ý vụ cháy xảy ra hồi 17h08’ ngày 29/5/2017 tại nhà một người dân ở tổ 42 xóm Đồng Mơ, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, khiến chủ nhà là ông Lê Văn Bình, (SN: 1956), thiệt mạng. Nguyên nhân vụ cháy là do chập điện. Tiếp đến hồi 2h37’ ngày 21/5 xảy vụ cháy tại kho xe máy với diện tích 1000m2 thuộc Cty Lisohaka 2 (xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng về tài sản ước tính khoảng 30 tỉ đồng. Nguyên nhân ban đầu xác định là do chập điện.
Hồi 00h10’ ngày 22/6, tại kho chứa xe đạp điện của Cty CP UMV trong khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã xảy ra vụ hỏa hoạn có diện tích đám cháy khoảng 2.000m2. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng tài sản thiệt hại ước tính khoảng 65 tỉ đồng. Nguyên nhân ban đầu xác định do chập điện.
Riêng trong tháng 7/2017, TP xảy ra 68 vụ cháy, làm 14 người chết; 4 người bị thương; thiệt hại về tài sản trị giá khoảng 3 tỉ đồng. Cụ thể, vào hồi 2h52’ ngày 13/7, vụ cháy xảy ra trong nhà dân có địa chỉ số 37 ngõ 205/53 đường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Diện tích đám cháy khoảng 30m2. Cả 4 người trong một gia đình tử vong trong đám cháy là ông Văn Trọng Bộ (SN: 1966), bà Hoàng Thị Hoa (SN 1968), anh Văn Trong Hoàng (SN 1992), em Văn Thảo Nga (SN 2000). Tài sản ở dưới tầng 1 của ngôi nhà này bị lửa thiêu rụi. Nguyên nhân ban đầu xác định do chập điện ở quạt treo tưởng trong bếp.
Tiếp đến vào hồi 1h52’ ngày 19/7, vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà số 48 ngõ 41 phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Do cửa sổ, ban công các tầng trên làm lồng sắt kiểu “chuồng cọp”, không có lối thoát hiểm nên khi xảy ra cháy, các nạn nhân không chạy ra được. Vụ cháy đã làm 2 người phụ nữ tử vong là cụ Nguyễn Thị Ngọc (SN 1936, chủ nhà) và bà Bùi Thị Thủy (SN 1968, là con gái cụ Ngọc).
Mới đây nhất, vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra hồi 10h30’ ngày 29/7 tại xưởng sản xuất bánh kẹo trên địa bàn xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội do ông Trần Văn Được (trú tại xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ) làm chủ. Vụ cháy đã làm 8 người chết và 2 người bị thương nặng. Nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do xưởng đang tiến hành sửa chữa, thợ hàn xì làm bắt tia lửa điện vào trần gác xép (được ghép bằng xốp) nên gây cháy. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam thợ hàn xì và triệu tập chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo đến cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.
Cũng trong thời gian hơn 8 tháng qua, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 3 vụ nổ, trong đó có 2 vụ do cưa chắt thùng phuy có chứa hỗn hợp hơi khí cháy; 1 vụ nổ chạm biến áp. 3 vụ nổ này đã làm chết 3 người, 4 người bị thương; thiệt hại về tài sản khoảng 400 triệu đồng.
Không thể chủ quan
Trước tình hình các vụ cháy nổ trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, ngày 21/7 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cơ sở về việc: “Tăng cường công tác đảm bảo an toàn PCCC trong tình hình hiện nay”.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị và người dây thực hiện ngay một số nội dung: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của thành phố về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCCC; chú ý thực hiện nghiêm những thông báo kết luận của Thành ủy, HDĐND, UBND thành phố về PCCC đối với các công trình, cơ sở trọng điểm về cháy nổ như: Nhà ở, công trình, chung cư cao tầng; trung tâm thương mại, chợ; cơ sở kinh doanh xăng dầu; hóa chất; kho, xưởng sản xuất; nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ…
Thủ trưởng, lãnh đạo các đơn vị, triển khai ngay công tác kiểm tra an toàn PCCC; khắc phục các tồn tại thiếu sót, vi phạm về an toàn PCCC và nhưng sở hở là nguyên nhân gây cháy, mất khả năng, điều kiện thoát nạn, thoát hiểm (như thiết bị điện không an toàn, không có lối thoát nạn, không có hệ thống cảnh báo cháy sớm…); quan tâm tới trang bị các loại phương tiện PCCC tại chỗ để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh; chỉ đạo các lực lượng PCCC chuyên ngành, PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan đảm bảo công tác ứng trực, làm nhiệm vụ PCCC theo phương châm “4 tại chỗ” và xử lý khẩn trương khi xảy ra cháy.
Cảnh sát PC&CC quận, huyện, UBND các phường, xã, thị trấn, lực lượng công an cơ sở tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC đến từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình; khuyến cáo nhắc nhở người dân nêu cao ý thức, kỹ năng PCCC, thoát nạn, thoát hiểm, tự trang bị phương tiện PCCC tại chỗ như bình cứu hoá, mặt nạn phòng độc, thang dây, ống tụt, thiết bị cảnh báo, báo cháy tự động…
Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo thực hiện toàn diện các biện pháp công tác PCCC trên địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về PCCC, công tác vận động xây dựng phong trào toàn dân PCCC; siết chặt công tác quản lý Nhà nước về PCCC, xử lý nghiêm minh các vị phạm về PCCC; vận động nhân dân mua trang thiết bị để cảnh báo cháy. Nhà chia lô, nhà ống cần có cửa thoát nạn, tầng trên tum, trên mái cần có lối thoát nạn và thông tin cho mọi người trong gia đình cách thoát nạn khi xảy ra cháy; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, chợ… trước cửa phải có bảng hướng dẫn lối thoát nạn khi xảy ra cháy nổ.
Sở, ngành thành phố, Cảnh sát PC&CC, Tổng Cty Điện lực… tăng cường phối hợp thực hiện nghiêm túc chức năng quản lý Nhà nước liên quan đến công tác PCCC, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và cơ sở có giải pháp, tổ chức khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót, vi phạm là nguy cơ dẫn đến cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng…
Đối với các vụ cháy đã xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, UBND TP Hà Nội yêu cầu chính quyền địa phương, thủ trưởng cá đơn vị liên quan, tổ chức thực hiện các chế độ chính sách, quan tâm, động viên các gia đình bị nạn, tổ chức khắc phục hậu quả; rút kinh nghiệm toàn diện công tác điều hành, chỉ đạo trong PCCC&CNCH. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra cháy, nổ phức tạp, hậu quả nghiêm trọng thì Thủ trưởng đơn vị, địa phương, người đứng đầu cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố.