CPI tháng Năm tăng 0,55%, mức cao nhất kể từ 6 năm qua
Trong rổ hàng hóa và dịch vụ chính tính CPI có 9 nhóm hàng tăng giá, cao nhất là nhóm giao thông tăng 1,72% và thấp nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Riêng chỉ số giá tại nhóm giáo dục không đổi, còn lại nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ 0,14%.
Giá thức ăn chăn nuôi kéo giá thịt lợn tăng mạnh
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, những yếu tố tác động đến mạnh đến mức tăng CPI trong tháng phải kế đến sự biến động giá của thịt lợn, tăng 5,85% so với tháng trước và đóng góp làm tăng CPI chung 0,25%.
“Một thời gian giá thịt lợt giảm mạnh khiến nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ lớn và phải đóng cửa chuồng. Hiện nay, nguồn cung thịt lợn ra thị trường chủ yếu từ các công ty chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao do giá nhập nguyên liệu đầu vào tăng (như ngô, lúa mỳ, vitamin, khoáng chất),” bà Ngọc cho biết.
Bên cạnh đó, kỳ nghỉ lễ (30/4 và 1/5) kéo dài nên nhu cầu ăn uống ngoài gia đình và du lịch gia tăng cũng khiến cho giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu lên giá.
Xăng, dầu góp 0,16% mức tăng CPI chung
Việc giá xăng dầu được điều chỉnh tăng hai đợt liên tiếp trong tháng (ngày 8/5 và ngày 23/5), tổng cộng xăng A95 tăng 1.010 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.010 đồng/lít, giá dầu diezen tăng 960 đồng/lít, khiến giá xăng dầu bình quân tăng tới 3,68% và làm tăng CPI chung 0,16%.
Ngoài ra với yếu tố thời tiết nắng nóng nên trong những ngày đầu Hè, mức tiêu thụ điện và nước tăng kéo theo giá hai mặt hàng này tăng 0,95% và tăng 0,52%.
Trên thị trường xây dựng, giá xi măng tăng trung bình khoảng 10.000 đồng/tấn, khiến cho mức giá vật liệu nói chung nhích lên 0,29%.
Trong tháng, giá gas điều chỉnh tăng 10.000 đồng/bình 12kg (ngày 1/5) và tăng 2,85% so với tháng Tư, nguyên nhân bởi giá gas thế giới tăng 30 USD/tấn, mức giá bình quân là 502,5 USD/tấn.
Tuy nhiên, bà Ngọc cho hay, bên cạnh các nhóm hàng tăng giá, hoa quả quả tươi và chế biến giảm đang có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào, cụ thể giá xoài giảm 1,16%, quả có múi giảm 0,03%, các loại quả tươi khác giảm 0,08%.
Giá vàng và tỷ giá đồng loạt giảm
Mặc dù thời điểm đầu tháng, giá USD có tăng mạnh nhưng sau đó lại giảm nhanh chóng, vì vậy tỷ giá giao dịch ngoại tệ trong nước đã giảm nhẹ 0,06%, về quanh mức 22.790 đồng/USD. Bên cạnh đó, giá vàng trong nước cũng giảm -0,75%, dao động quanh mức 3,66 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Bà Ngọc phân tích, chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 4 chỉ tăng 0,2% (không như mức tăng kỳ vọng 0,3%) khiến giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ hoãn tăng lãi suất cơ bản trong tháng Sáu tới. Thêm vào đó, i lượng dự trữ ngoại tệ trong nước đang dồi dào kết hợp với cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tác động đến giá USD giảm nhẹ trong tháng.
Nhìn chung, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) trong tháng đã tăng 0,11% so với tháng Tư và tăng 1,37% so với cùng kỳ. Tổng cộng năm tháng qua, lạm phát cơ bản đã tăng 1,34% so với cùng kỳ.
“Tháng này, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường, như giá lương thực, giá xăng dầu. Lạm phát cơ bản năm tháng ở mức 1,34%, phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định” bà Ngọc nói.