Cục Báo chí kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết: Năm 1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng Internet toàn cầu, mở ra một thời kỳ mới cho báo chí, truyền thông nước ta. Báo chí điện tử ra đời đòi hỏi công tác quản lý báo chí phải có sự thay đổi để theo kịp sự phát triển. Giai đoạn này, Vụ Báo chí, Bộ Văn hoá – Thông tin (VH-TT), cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trên toàn quốc, chỉ có 14 người với phương tiện làm việc và trang thiết bị kỹ thuật lạc hậu, nhưng quản lý 496 cơ quan báo chí; quản lý hệ thống phát thanh, truyền hình toàn quốc..
Trên cơ sở đề xuất của Vụ Báo chí, Bộ VH-TT, ngày 16/7/2003, Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị đã ký quyết định số 22/2003/QĐ-VHTT thành lập Cục Báo chí..
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến dự và trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Cục Báo chí |
Ngày 27/7/2007, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thành lập trên cơ sở Bộ Bưu Chính, Viễn thông và Cục Báo chí, Cục Xuất bản thuộc Bộ Văn hóa- Thông tin. Cục Báo chí lúc này chính thức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.
Năm 2008, Bộ TT&TT thành lập Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, trên cơ sở chuyển chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Phòng quản lý phát thanh, truyền hình, báo điện tử trên Internet từ Cục Báo chí sang. Kế thừa truyền thống, những cán bộ dày dạn kinh nghiệm của Cục Báo chí hiện đang là hạt nhân quan trọng ở các đơn vị bạn. Cũng trong giai đoạn này, Bộ TT&TT đã thành lập Cục Thông tin đối ngoại và Vụ Thông tin cơ sở ( sau này là Cục Thông tin cơ sở) trên cơ sở chuyển chức năng, nhiệm vụ và tổ chức từ Cục Báo chí sang. Năm 2009, Cục Báo chí thành lập Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ báo chí ( sau này đổi tên thành Trung tâm hỗ trợ phát triển báo chí). Năm 2023, Cục có thêm nhiệm vụ về truyền thông chính sách và hỗ trợ chuyển đổi số báo chí.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao tặng lưu niệm bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đại diện Cục Báo chí |
Theo ông Lưu Đình Phúc, trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trọng công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí. Bước sang thời kỳ đổi mới toàn diện ở Việt Nam, hệ thống quan điểm của Đảng lãnh đạo về báo chí ngày càng được hoàn thiện theo phương châm “phát triển gắn liền với quản lý báo chí”, “Phát triển phải đi đôi với quản lý báo chí”.
Trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí. |
Năm 2016, Luật Báo chí sửa đổi được Quốc hội thông qua, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử báo chí nước nhà. Luật Báo chí 2016 đã kế thừa Luật về chế độ báo chí số 100-SL/L.002 ngày 20/5/1957, Luật Báo chí 1989, được sửa đổi bổ sung năm 1999; tiếp thu các quy định trong quá khứ, bổ sung các quy định mới về cơ chế chính sách để phát triển báo chí, phát huy quyền tự do ngôn luận trên báo chí của người dân, đảm bảo mục tiêu phát triển và quản lý tốt; đã xác định rõ tính chất xã hội chủ nghĩa của chế độ báo chí với sự kế thừa liên tục của chế độ báo chí cách mạng, đồng thời phản ánh những thay đổi trong đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn hiện nay, hướng tới xây dựng cương lĩnh cho báo chí cách mạng Việt Nam những năm tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí. |
Năm 2019, thực hiện chủ trương của Đảng, Cục Báo chí là đơn vị chủ trì đã tham mưu Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quy hoạch báo chí đã thể chế hoá quan điểm phát triển của Đảng qua các thời kỳ về xây dựng mô hình cơ quan báo chí tinh gọn, hiệu quả, tập trung cho cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội; sắp xếp cơ quan báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí.
Tri ân các thế hệ lãnh đạo Cục Báo chí. |
Cục Báo chí được giao chủ trì triển khai dự án Đào tạo lại báo chí Việt Nam. Giai đoạn 1, từ năm 1998 đến năm 2011 đã đào tạo được hơn 5 nghìn phóng viên, biên tập viên; giai đoạn 2 là xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu của Việt Nam để đi đào tạo lại cho phóng viên báo chí Việt Nam; giai đoạn 3 là hình thành Trung tâm bồi dưỡng, kỹ năng, nghiệp vụ báo chí thuộc Cục báo chí.
Tiếp nối dự án trên, năm 2019, Bộ TT&TT giao Cục Báo chí cùng các đơn vị liên quan triển khai dự án “phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”. Dự án đem lại giá trị thiết thực cho báo chí về tiếp cận công nghệ mới của báo chí, về kinh tế báo chí, chuyển đổi số và các kỹ năng, phương pháp làm báo mới. Đã có hàng trăm phóng viên, biên tập viên được tiếp cận với những kiến thức mới do dự án đem lại.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ những vấn đề cơ bản, quan trọng, cốt lõi của ngành thông tin truyền thông nói chung và lĩnh vực báo chí nói riêng từ khi ra đời của Báo chí Cách mạng Việt Nam với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra báo Thanh Niên (21/6/1925). Trải qua gần 90 năm, qua nhiều giai đoạn lịch sử, báo chí cách mạng đã khẳng định vai trò và vị thế trong đấu tranh cách mạng cũng như phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội.
Đề cập đến vấn đề phát triển báo chí bền vững, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chú trọng đến vấn đề quản lý nhà nước về báo chí. Trong xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi số báo chí, Cục Báo chí phải đi đầu, tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi trong cách thức làm việc để đạt được hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy báo chí phát triển.
"Báo chí trước đây là cây bút, trang giấy thì nay thêm công nghệ số, nền tảng số, nhưng cái bất biến vẫn là những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, cái tâm của người làm báo. Quản lý nhà nước về báo chí là tạo ra môi trường thuận lợi để báo chí cách mạng phát triển, vừa ngang tầm nhiệm vụ, thời đại vừa chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.