“Cuộc cách mạng” của Tổng Bí thư Tô Lâm
Tổng Bí thư: Không tinh gọn bộ máy không phát triển được Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển Khơi thông điểm nghẽn từ “hiệu lệnh” của Tổng Bí thư Tô Lâm |
“Cuộc cách mạng” từ Trung ương đến cơ sở
Trong bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn thừa nhận và chỉ ra những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy.
Tổng Bí thư cho biết, qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... một số Bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ này sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Chính vì vậy, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng…
Tổ chức bộ máy của một số cấp, ngành đến nay cơ bản vẫn giữ nguyên về số lượng, việc sắp xếp chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, xác định vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng “Bộ trong Bộ”. Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Tổng Bí thư Tô Lâm |
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.
Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế.
Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện "cách mạng" về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, với một số công tác trọng tâm.
Theo đó, chúng ta cần xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Trong đó, cần tập trung tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đánh giá nghiên túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết; đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn từ đó đề xuất mô hình tổ chức mới, đánh giá ưu điểm và tác động khi thực hiện mô hình mới, phải bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nguyên tắc của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương... bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp.
Người đứng đầu Đảng cũng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống; rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.
Đồng thời tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân biệt rõ cấp ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật với cấp tổ chức thực hiện.
Tổng Bí thư nhấn mạnh việc gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh; ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay.
Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Không tinh gọn thì không phát triển được
Qua nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ rất ấn tượng và cho rằng, bài viết đã phân tích đúng, trúng tình hình hiện nay vẫn còn sự cồng kềnh trong bộ máy Nhà nước, tinh giản, tinh gọn vẫn cào bằng, chưa thực chất.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhận định, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu vấn đề rất rành mạch, rất cụ thể, phân tích rõ thực trạng cồng kềnh, thiếu tinh gọn trong bộ máy Nhà nước thời gian qua. Đây là nội dung rất quan trọng, các ngành, các cấp cần quan tâm.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa |
Theo ông Hòa, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 18 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đều thực hiện tốt, tinh giản 10% biên chế sự nghiệp công lập.
Tuy vậy, việc thực hiện tinh giản này ở một số nơi, một số cơ quan, đơn vị vẫn mang tính chất cào bằng, quy định từ trên xuống dưới đều áp dụng chung, các cơ quan, tổ chức, đơn vị nào cũng tinh giản 10%, mà không tính tới ở cấp xã chỉ có một người làm một nhiệm vụ thì không thể tinh giản được. Hay ở cấp phòng, ban của cấp huyện có 3 người, nếu tinh giản còn 2 người không đủ thực hiện nhiệm vụ; điều này xảy ra tương tự ở các cấp sở, ngành.
Do đó, ông Hòa cho rằng, tinh giản trong thời gian qua thực hiện Nghị quyết của Trung ương là đúng, nhưng tinh giản theo kiểu cào bằng là chưa hợp tình, chưa hợp lý. Vậy nên, Tổng Bí thư nêu vấn đề tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần thiết tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế từ Trung ương là cần thiết. Vì ở bộ, ngành của Trung ương có những bộ, ngành 3.000 - 4.000 người, nếu tinh giản 30 - 50 người, có thể sẽ không không ảnh hưởng đến hoạt động của Bộ, ngành đó.
"Còn đối với cấp tỉnh và cấp huyện, tinh giản chỉ 5 - 7 người đã gây khó khăn trong hoạt động. Bởi theo quy định, cấp huyện chỉ 130 - 140 biên chế, nhưng phải tinh giản theo từng năm, nên nếu giảm tiếp không đủ nhân lực thực thi công vụ", ông Hòa nói.
Cũng theo ông Hòa, qua bài viết của Tổng Bí thư cho thấy, cần thiết xem lại cách tinh giản biên chế chúng ta đã thực hiện trong thời gian qua. Trước có thực hiện thí điểm tinh giản bộ máy tổ chức sở, ngành, phòng, ban ghép lại với nhau nhưng chưa đề cập tới các Bộ. Tuy nhiên, sau một thời gian sáp nhập các phòng, ban, sở, ngành lại trở về mô hình cũ, do đó cần thiết rà soát, đánh giá, tổng kết việc ghép các phòng, ban như thời gian qua có hiệu quả hay không?
Theo ông Hòa, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập gia tăng tình trạng “Bộ trong Bộ", đây cũng là thực tế đang diễn ra, có sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, cần có sự vào cuộc rất quyết liệt, tinh giản để cho bộ máy làm việc từ Trung ương đến cơ sở thực sự hiệu lực, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực.
"Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện quyết tâm qua cụm từ “cách mạng” tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tôi tin rằng, thời gian tới, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương sẽ khẩn trương vào cuộc thực hiện cuộc cách mạng này", ông Hòa nói.
Tương tự, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ kỳ vọng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tạo ra những đột phá thúc đẩy phát triển của địa phương và đất nước.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, đây là cuộc “cách mạng” và mong rằng chỉ đạo của Tổng Bí thư trở thành lời hiệu triệu cho đất nước.
“Chúng ta mong chờ thời gian tới sự chuyển biến, sự thấm nhuần những nghị quyết của Trung ương về cải cách thủ tục hành chính, về tinh gọn bộ máy. Việc con người, nhân sự gắn với bộ máy đó như thế nào, có toàn tâm toàn ý với dân không, đó là một vấn đề. Từ thể chế, cơ chế chính sách tới bộ máy, tới con người đảm nhận vị trí, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, toàn tâm toàn ý vì Nhân dân, vì đất nước phục vụ”, đại biểu Nguyễn Tạo chia sẻ.