Cuốn sách ảnh gợi nhớ về hình ảnh Hà Nội xưa qua những gánh hàng rong và tiếng rao
Ra mắt cuốn sách chuyển động scanimation đầu tiên "Made in Vietnam" |
Đây là hợp tác xuất bản đầu tiên của NXB Kim Đồng và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, với mong muốn góp phần dựng lại những giá trị văn hóa đặc sắc nhất của Hà Nội 1010 tuổi.
Giống như cuốn du kí ngược thời gian, tập sách gói gọn bức tranh Hà Nội thu nhỏ với đặc sản văn hóa không thể trộn lẫn. Đó là những gánh hàng rong, những tiếng rao hàng của Hà Nội đầu thế kỉ XX.
Cuốn sách ảnh gợi nhớ về hình ảnh Hà Nội xưa qua những gánh hàng rong và tiếng rao |
Cuốn sách giới thiệu một bộ sưu tập, một album sống động và thật giá trị với những bức kí họa, hình vẽ, tranh màu nước của 15 sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sau này đều trở thành những họa sĩ nổi tiếng hàng đầu: Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Lưu Văn Đệ, Mai Trung Thứ…
Chưa đầy 100 trang sách in màu, cuốn sách ảnh “Hàng Rong Và Tiếng Rao Hàng Hà Nội” đã dẫn dắt kí ức người đọc, người xem trở về với di sản quá khứ một đi không trở lại, đó là hình ảnh của Hà Nội đầu thế kỉ XX, với những hình ảnh hàng ngày quen thuộc, nhưng vô cùng độc đáo: những gánh hàng rong, những tiếng rao ê a đầy nhịp điệu trong ngõ nhỏ, giữa phố phường, bên hông chợ:
Bánh giò - bánh dày…
Ai cháo đậu xanh ra mua…
Tuổi thơ của thế hệ 7x, 8x, 9x chắc không hề xa lạ với những tiếng rao mỗi sáng sớm, hay trưa hè, xế muộn… Những dữ liệu văn hóa đời sống lam lũ ấy, tài tình thay, được kể bằng những bức ảnh, những nét kí họa, những bản ghi tay của các họa sĩ hàng đầu Đông Dương, trong một ấn tượng vô song.
Dịch giả Huy Toàn cho biết: “Năm 1925, trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập, quy tụ những người có năng khiếu hội họa nhất trong toàn cõi Đông Dương, được nhận vào học qua những cuộc thi sát hạch hết sức ngặt nghèo.
Bắt đầu từ dự án của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương những năm đầu sau khi thành lập: các thày cho 15 sinh viên đi vẽ chỉ một chuyên đề: những người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội. Từ bà bán bánh trái, bác bán phở, cô gái bán hoa, cậu bé bán nước chè, anh hàng tào phớ đến những người đi thu mua đồng nát, vải vụn, tóc rối...
Không chỉ vẽ tư thế, vẻ mặt, động tác của họ, các thày Tây còn ghi lại tiếng rao của họ theo cách ghi nhạc, để lưu lại bằng hình ảnh và âm thanh một nét sinh hoạt đặc thù của Hà Nội.”
Công trình của các thày trò trường Cao đẳng Mỹ thuật - gồm kí họa của các sinh viên Việt Nam cùng phần dẫn luận và lời bình của ông thày hướng dẫn - sau này được công bố trên các tạp chí chuyên ngành ở cả Đông Dương và Paris, Pháp.
Tại Paris, người ta tổ chức triển lãm kí họa chuyên đề hàng rong Hà Nội của các sinh viên xưa… Đặc biệt, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp còn xuất bản một cuốn sách về chính công trình này.
Cuốn sách ảnh “Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội” đánh thức những tình cảm yêu mến rưng rưng của bạn đọc về những nét đẹp của đất Thăng Long, lòng trân quý những giá trị văn hóa vĩnh cửu, đặc sắc Hà Nội một thời.
“Những kỉ niệm về một thành phố mà ta từng sống lâu ở đó, được tạo thành một ít từ các công trình, mà phần nhiều từ âm sắc của những tiếng chuông và tiếng ồn thành phố, cũng như từ những món ngon của địa phương mà ta đã ăn ở đó" (trích trang 65 “Hàng rong và tiếng rao hàng Hà Nội”).
“Một phần văn hóa thực sự của Hà Nội - những người bán hàng rong và tiếng rao trên đường phố của họ” (Olivier Tessier - Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội). |
Trao giải cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của em” năm 2020 |
Vượt qua "cái tôi" nơi công sở với cuốn sách "Vô ngã" |
Trở về tuổi thơ với cuốn sách "199 mấy - Hồi ấy làm gì?" |