Cứu sống bệnh nhân đái tháo đường hôn mê sâu
Theo thông tin từ cơ sở tuyến dưới cung cấp, bệnh nhân C có tiền sử đái tháo đường type 2 đã 5 năm, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hơn 10 năm và phải điều trị thường xuyên theo đơn của Bệnh viện tỉnh.
Cũng theo thông tin từ người nhà cung cấp, trước vào viện, bệnh nhân xuất hiện khó thở tăng dần, đờm vàng, khó khạc, tím tái đã được xử trí thở oxy sau đó được chuyển tới bệnh viện tỉnh trong trong tình trạng hôn mê sâu.
Bệnh viện Nội tiết Trung ương cấp cứu bệnh nhân đái tháo đường hôn mê sâu |
Sau khi được xử trí tạm thời bệnh nhân đã được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Tại đây, bệnh nhân C nhập viện với chẩn đoán: Viêm phổi do trực khuẩn mủ xanh - đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - đái tháo đường type 2 - suy tim, phải thở máy xâm nhập, và tiến hành mở khí quản sớm do tiên lượng cai thở máy kéo dài, khó có thể rút được ống nội khí quản.
Ngay từ khi tiếp nhận bệnh nhân, khoa Điều trị tích cực đã đánh giá đây là trường hợp điều trị rất khó khăn, gia đình xác định có thể phải thở máy tại nhà.
Tại khoa, bệnh nhân khẩn trương được xử trí: Thở máy xâm nhập, kháng sinh, truyền khối tiểu cầu, corticoid, giãn phế quản, kiểm soát đường máu… kết hợp việc bổ sung dinh dưỡng, lăn trở phục hồi chức năng để nâng cao thể trạng.
Sau 30 ngày điều trị tích cực, phối hợp hội chẩn liên khoa Dinh dưỡng, Y học cổ truyền, bệnh nhân đã cai được máy thở, được thay canuyn mở khí quản 2 nòng, thể trạng cải thiện và được xuất viện.
Sau 1 tháng bệnh nhân C được tái khám theo hẹn, thể trạng tiến triển tốt, tình trạng nhiễm trùng ổn định, phản xạ ho khạc tốt, được tiến hành rút canuyn mở khí quản, theo dõi 1 tuần sau đóng lỗ mở khí quản, mọi chỉ số cận lâm sàng đều ổn định. Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tự thở qua mũi được xuất viện về nhà.
ThS.BS. Nguyễn Đăng Quân, Phó Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: "Bệnh nhân C là một trường hợp mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiều năm, ngay từ thời điểm nhập viện xác định khó cai máy thở và rút ống nội khí quản.
Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân đã được tiến hành mở khí quản rất sớm, phối hợp đa chuyên khoa (hồi sức cấp cứu, phục hồi chức năng, dinh dưỡng...), xin ý kiến của các chuyên gia hồi sức cấp cứu, hô hấp.
Sau gần 2 tháng điều trị bệnh nhân đã được rút mở khí quản, trở lại cuộc sống bình thường. Đó là sự nỗ lực rất lớn của các bác sỹ, điều dưỡng khoa Điều trị tích cực, sự phối hợp đa chuyên khoa trong Bệnh viện cũng như ý kiến của chuyên gia".