Đà Nẵng: Dự kiến 26.582 người được tiêm vắc xin AstraZeneca mũi 1
Dự kiến có 26.582 người sẽ được tiêm vắc xin AstraZeneca mũi 1 trong đợt này |
Căn cứ vào tổng số liều vắc xin Covid-19 AstraZeneca được Bộ Y tế phân bổ cho TP Đà Nẵng là 30.000 liều, sau khi sử dụng để tiêm mũi 2 cho hơn 8.000 đối tượng trong đợt vừa qua và tại Bệnh viện Phổi tiêm đợt 1, số lượng vắc xin phân bổ trong đợt 2 còn lại là 2.272 lọ, dự kiến đủ tiêm cho 26.582 người.
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, các đối tượng tiêm chủng mũi 1 vắc xin Astrazeneca trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống Covid-19 đợt này gồm: Người lao động tại các doanh nghiệp thuộc KCN, doanh nghiệp từ 1.000 người trở lên trên địa bàn thành phố, cán bộ làm công tác xuất nhập khẩu, người cung cấp dịch vụ thiết yếu (vận tải, bưu chính, dược, vật tư y tế..), dịch vụ thiết yếu khác (nhân viên trực tiếp thu gom rác thải, nước thải tại khu cách ly và vùng phong tỏa, người làm việc tại cơ quan, đơn vị hành chính tiếp xúc nhiều người).
Được biết, thời gian triển khai tiêm chủng cho các đối tượng bắt đầu từ 11/8 -14/8/2021. Các đơn vị được tiêm chủng đợt này cũng đã lập danh sách tiêm mũi 1 gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng trước ngày 9/8 vừa qua.
TP Đà Nẵng tổ chức tiêm vắc xin đợt 1 cho người dân |
Theo đó, tại các điểm tiêm chủng được bố trí theo nguyên tắc 1 chiều, đảm bảo giãn cách, yêu cầu các đơn vị, địa phương bảo đảm cơ sở vật chất, chuẩn bị phương án cấp cứu tại các điểm tiêm. Đơn vị phụ trách điểm tiêm chủng chịu trách nhiệm cấp giấy xác nhận đã tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng tham gia tiêm chủng.
Sở Y tế Đà Nẵng khuyến cáo, sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm phải ở lại để nhân viên y tế theo dõi ít nhất 30 phút. Đồng thời, khi về phải thường xuyên ở tại nhà trong vòng 24 giờ sau tiêm và tiếp tục theo dõi trong 28 ngày về các dấu hiệu bất thường.
Bên cạnh đó, mỗi đơn vị phụ trách tiêm chủng phải thành lập đội cấp cứu lưu động, bố trí bộ phận thường trực với đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị cấp cứu, sẵn sàng hỗ trợ điểm tiêm chủng. Cơ sở tiêm chủng theo dõi và ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm qua phản hồi từ đối tượng được tiêm chủng.
Đối với những người không cài ứng dụng trên điện thoại di động, thì cơ sở tiêm chủng nhắn tin hoặc gọi điện để nhắc nhở chủ động khai báo bất thường sau tiêm chủng. Khi triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm, người đứng đầu phụ trách đơn vị tiêm chủng có trách nhiệm dừng ngay buổi tiêm chủng, xử lý cấp cứu và báo cáo theo quy định.