Đà Nẵng: Lễ hội Cầu ngư truyền thống 2024 diễn ra trong 3 ngày
Lễ hội Cầu Ngư - nét đẹp văn hoá của ngư dân ven biển Nam Trung bộ Khai mạc Lễ hội Tết Việt 2024 tại TP Hồ Chí Minh Những trải nghiệm lễ hội xuân không thể bỏ lỡ tại núi Bà Đen, Tây Ninh |
Lễ hội Cầu ngư truyền thống 2024 diễn ra trong 3 ngày tại quảng trường Hà Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng (Nguồn danangfantasticity) |
Theo đó, lễ khai mạc lễ hội Cầu ngư 2024 chính thức diễn ra từ 7h đến 10h30 ngày 29/2 (nhằm ngày 20 tháng Giêng Âm lịch), tại quảng trường Hà Khê, đường Nguyễn Tất Thành thuộc địa bàn phường Xuân Hà.
Đây là lễ hội truyền thống, nhằm tuyên truyền quảng bá về ý nghĩa của lễ hội Cầu ngư, tạo điểm nhấn về hoạt động văn hóa – lễ hội, tăng khả năng thu hút khách du lịch nhằm phát triển kinh tế địa phương.
Đồng thời, khơi dậy ý thức tự hào và tình thần trách nhiệm cộng đồng dân cư, tự nguyện giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ mai sau bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn quận Thanh Khê.
Lễ hội Cầu ngư gồm phần lễ và phần hội, tổ chức theo nghi thức truyền thống mang bản sắc văn hóa địa phương (Nguồn danangfantasticity) |
Cùng với đó, thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, lòng tín ngưỡng với vị thần Nam Hải, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu mong trời yên biển lặng, tàu thuyền được thuận buồm xuôi gió, mùa màng bội thu, cuộc sống nhân dân được ấm no hạnh phúc.
Được biết, lễ hội Cầu ngư gồm phần lễ và phần hội, tổ chức theo nghi thức truyền thống mang bản sắc văn hóa địa phương. Trong đó, phần lễ gồm: Lễ nghinh thần, lễ tế truyền thống, hát bả trạo.
Phần hội được tổ chức đan xen nhiều hoạt động mang đậm tính dân gian của làng chài như: các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang tính cộng đồng, dân gian phù hợp với cư dân vùng biển như: Hô hội bài chòi, hát tuồng, thi dân vũ, flashmod, vẽ tranh, đan lưới, ẩm thực, chưng mâm ngũ quả, trò chơi gánh cá…
Phần thi "gánh cá" sôi động trong phần hội của lễ hội Cầu Ngư (Nguồn danangfantasticity) |
Các trò chơi vận động trên bờ biển (gánh cá, cà kheo, đẩy gậy, ngoáy thúng ngoài biển, kéo co, Kabbaddi); Các môn thi đấu thể thao gồm: Bóng đá bãi biển, kabaddi, đẩy gậy, kéo co, thi ngoáy thúng, cà kheo, thi ngoáy thúng trên sông Phú Lộc. Hoạt động thuyền buồm, thuyền sup…
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trưng bày các gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng, trưng bày mô hình nghề biển, sản phẩm đặc trưng vùng biển, trưng bày mô hình, hình ảnh về “Hoàng Sa, Trường Sa”, các gian hàng ẩm thực.
Tại thành phố Đà Nẵng, lễ hội Cầu ngư đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cúng Thần Nam Hải, lấy hình tượng cá Ông - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân. Đối với đời sống cộng đồng miền biển, lễ hội Cầu ngư là lễ trọng lớn nhất trong năm, vừa cầu mù-cầu ngư, tế ngư thần, bày tỏ khát vọng một năm “Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”. |