Đà Nẵng yêu cầu người dân ở nhà kể từ 0 giờ ngày 28/7
TP Đà Nẵng sẽ bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội kể từ 0 giờ sáng 28/7 (Ảnh: V.Q) |
Chiều 27/7, ông Lê Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký Văn bản số 4930 về việc khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid 19, sau khi Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo tại cuộc họp thường trực.
Theo đó, TP Đà Nẵng sẽ bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7 tại địa bàn các quận: Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu.
Cụ thể, gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, phường cách ly với phường, quận cách ly với quận, huyện; Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa; Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
TP Đà Nẵng sẽ bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/7 (Nguồn: TTXVN) |
Các hoạt động vận tải (vận tải hành khách cố định, kinh doanh vận tải khách xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe điện thí điểm và vận tải thủy nội, xe buýt nội thành, kinh doanh vận tải khách thủy nội địa) được yêu cầu tạm dừng.
UBND TP chỉ cho phép mở cửa các loại hình khám chữa bệnh, bán thuốc và vật tư y tế, chất đốt, ngân hàng, bưu chính viễn thông, công chứng, cấp điện, cấp nước, hoạt động của các nhà máy, cơ sở sản xuất.
Đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng tiện lợi, UBND TP yêu cầu chỉ được bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Đối với việc cung cấp thức ăn chế biến sẵn, cho phép các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, các bếp ăn tập thể hoạt động nhưng phải đảm bảo các điều kiện về công tác phòng, chống dịch...
UBND TP yêu cầu người dân tại các địa bàn nêu trên tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch, tích cực tham gia khai báo y tế tự nguyện; Thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình và tham gia có trách nhiệm với các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
UBND TP yêu cầu người dân tại các địa bàn nêu trên tự giác chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng chống dịch (Ảnh: V.Q) |
Trường hợp đặc biệt, do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định sẽ thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng; Tiến hành phong tỏa khu vực các tuyến đường: Quang Trung (từ nút giao Nguyễn Thị Minh Khai - Quang Trung tới nút Đống Đa - Quang Trung), đường Hải Phòng (từ nút giao Hải Phòng - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Hải Phòng - Ông Ích Khiêm), đoạn đường Ông Ích Khiêm (nút Ông Ích Khiêm - Hải Phòng đến nút Ông Ích Khiêm - Đống Đa) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (từ nút giao Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Nguyễn Thị Minh Khai - Hải Phòng).
UBND TP yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Công an thành phố và UBND các địa phương liên quan tổ chức thực hiện việc phong tỏa các địa điểm, khống chế việc lây lan của dịch bệnh; Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện giám sát, lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm, áp dụng biện pháp cách ly hoặc can thiệp y tế phù hợp đối với các trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc Covid-19.
Ngoài ra, UBND TP còn yêu cầu Công an TP tiếp tực thực hiện việc rà soát (đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng), lập danh sách tất cả các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trên địa bàn; Tổ chức cách ly, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.