Đã xác định danh tính nạn nhân tử vong trong vụ cháy nhà xưởng
Theo đó, vào khoảng 18h25 ngày 23/4 tại kho chứa phụ kiện gỗ ở xóm 4 thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì đã xảy ra cháy lớn. Công an TP Hà Nội đã điều động nhiều lực lượng tới phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH của Công an huyện Thanh Trì dập lửa, cứu hộ, cứu nạn.
Sau khi dập tắt đám cháy, lực lượng chức năng tìm kiếm tại hiện trường, phát hiện anh Nguyễn Hùng Thắng (sinh năm 1970 ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), là chủ xưởng sản xuất đã tử vong trong tình trạng thi thể không còn nguyên vẹn.
Bước đầu cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân tử vong do bị ngạt khói. Hiện tại nguyên nhân cháy và lý do nạn nhân có mặt trong khu nhà xưởng vào thời điểm đã hết giờ làm việc, công nhân đã nghỉ vẫn đang được điều tra làm rõ.
Bên trong hiện trường vụ cháy nhà xưởng ở ở xóm 4 thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp |
Liên quan đến vụ cháy trên, trong khi tác nghiệp tại hiện trường 2 phóng viên N.V.C (Thời báo VTV) và M.H.M (Báo điện tử VnExpress) đã bị Đỗ Mạnh Hoàng và Trần Văn Đức (cùng sinh năm 1978, ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cản trở tác nghiệp, lăng mạ và hành hung gây thương tích và đập phá tài sản là máy điện thoại phương tiện hành nghề. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Thanh Trì điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Trước sự việc thông tin cá nhân của 2 phóng viên N.V.C và M.H.M xuất hiện trên mạng xã hội, gây lo ngại cho an toàn của phóng viên và gia đình. 2 phóng viên và cơ quan chủ quản là Thời báo VTV và báo điện tử VnExpress đã đề nghị các cơ quan chức năng trong đó có Công an huyện Thanh Trì làm rõ, có biện pháp bảo vệ an toàn cho phóng viên và gia đình khỏi bị “trả thù”.
Theo phóng viên M.H.M chia sẻ, từ trước đến nay không thù oán với ai. Trong quá trình tác nghiệp tại nhiều điểm nóng về cháy, nổ, an ninh trật tự… luôn nhận được sự giúp đỡ của người dân và cơ quan chức năng để có những tin bài phục vụ độc giả kịp thời. Sau khi bị lộ thông tin, phóng viên M.H.M rất lo lắng cho an toàn của gia đình nên đã đề nghị Công an huyện Thanh Trì làm rõ và có biện pháp bảo vệ.
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật phân tích, đặc thù nghề nghiệp và quá trình tác nghiệp của nhà báo, phóng viên được xếp vào nghề nguy hiểm, có rủi ro cao về việc dễ bị xâm hại đến tinh thần, sức khoẻ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Chính vì thế hoạt động báo chí từ trước đến nay vẫn được pháp luật, Luật Báo chí bảo vệ. Nhà báo, phóng viên tác nghiệp trong khuôn khổ pháp luật, quy định, đạo đức nghề nghiệp. Đã rất nhiều lần, các cơ quan chức năng, các đại biểu Quốc hội lên tiếng xếp công việc đặc thù báo chí là thi hành công vụ để được bảo vệ phóng viên, nhà báo hành nghề.
Công an huyện Thanh Trì tổ chức thực nghiệm hiện trường vụ việc phóng viên bị hành hung khi đang tác nghiệp gần hiện trường vụ cháy |
Phân tích về tình huống pháp lý trong trường hợp 2 phóng viên bị hành hung, luật sư khẳng định, phải xác định rõ va chạm ở đây là 1 bên giữa người đang làm nhiệm vụ thu thập thông tin theo yêu cầu của cơ quan chủ quản và sự cho phép của lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường với những người dân không có trách nhiệm, nghĩa vụ có mặt tại vụ việc.
Thông tin trên mạng xã hội bỗng nhiên biến 2 người dân vô cớ hỏi thẻ tác nghiệp, lăng mạ, tấn công nhà báo đang làm nhiệm vụ thành “người hùng” tình nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng chữa cháy là thông tin thiếu căn cứ, có dấu hiệu “chạy tội” cần được làm rõ.
Vì qua phản ánh 2 phóng viên, họ bị hành hung vào 2 thời điểm khác nhau, không phải đánh cùng một thời điểm. Tức là phóng viên C bị đánh trước và có gửi hình ảnh và làm thông tin về vụ cháy xong rồi mới đến công an trình báo về sự việc.
Phóng viên M bị đánh sau, có một số đồng nghiệp ghi lại hình ảnh. Khi đến công an trình báo, 2 phóng viên cũng đến vào hai thời điểm khác nhau, người đến trước, người đến sau. Quá trình bị hành hung phóng viên C bị thương khá nặng và đang phải điều trị ở bệnh viên. Còn phóng viên M bị thương nhẹ dần hồi phục. Như vậy, có thể thấy hành vi của 2 người đánh phóng viên có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích.
Còn nhớ, vụ việc cản trở phóng viên tác nghiệp xảy ra gần đây nhất là ngày 7/6/2023, trong khi tác nghiệp tại phố Xã Đàn, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội) phóng viên C (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) đã bị Phạm Văn Phương (sinh năm 1981 ở huyện Xuân Trường, Nam Định) và Lê Văn Hưng (sinh năm 1984 ở huyện Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đập máy quay phim, tấn công dã man. Ngay sau đó, Công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích, tiến hành xử lý nghiêm minh 2 đối tượng côn đồ.