Cảnh sát khuyến cáo phòng cháy, nổ trong dịp lễ 30/4 - 1/5
Mất mát, thiệt hại do cháy nổ gây ra
Thời gian qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như vụ cháy nhà xưởng ở huyện Thường Tín khiến 3 người thương vong, nhiều tài sản bị thiêu rụi.
Cụ thể, khoảng 19h50 tối 5/3, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận tin báo xảy ra cháy lán tạm tại thôn Đỗ Hà, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, Hà Nội. Công an Thành phố đã điều động lực lượng chữa cháy Công an TP và Công an huyện Thường Tín đến hiện trường tổ chức chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Đến 21 giờ các lực lượng đã phối hợp đưa được 3 người bị nạn ra ngoài và đưa đến Bệnh viện điều trị. Khoảng 22h50 đám cháy được dập tắt.
Hiện trường vụ cháy nổ nhà xưởng ở xã Khánh Hà, huyện Thường Tín khiến 3 người thương vong, nhiều tài sản bị thiêu rụi |
Theo lãnh đạo UBND huyện Thường Tín, qua kiểm tra ban đầu xác định, khu vực kho xưởng xảy ra vụ cháy là xưởng sang chiết gas trái phép ở xã Khánh Hà. Vụ cháy xuất phát từ một chiếc ô tô chở gas rồi lan sang nhà xưởng. Khu vực cháy là xưởng tạm của ông Dương Văn P, cho ông Mai Viết C thuê. Hậu quả vụ cháy đã làm 3 người thương vong, 2 ô tô cháy hoàn toàn, trong đó có 1 xe bồn chứa gas, hiện trường có khoảng 100 bình gas loại 12kg và khoảng 20 bình gas loại 42kg. Khu vực xưởng tạm khoảng 70m2 bị sập và biến dạng hoàn toàn.
Mới đây nhất khoảng 18h25 tối 23/4, đám cháy bùng phát tại kho chứa phụ kiện gỗ ở xóm 4 thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì. Người dân nhanh chóng hô hoán thoát nạn đồng thời hỗ trợ dập lửa nhưng không thành đã báo cho lực lượng cứu hoả.
Nhận được tin báo từ trung tâm 114, Công an huyện Thanh Trì đã nhanh chóng điều động cán bộ, chiến sỹ cùng phương tiện đến hiện trường làm nhiệm vụ. Nhận định đám cháy kho xưởng có nguy cơ cháy lớn nên Công an TP đã điều động phương tiện cùng cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Trung tâm 5 phối hợp xử lý. Các lực lượng thuộc UBND và Công an xã Ngũ Hiệp cũng có mặt hỗ trợ các biện pháp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và bảo vệ tài sản cho người dân.
Bên trong hiện trường vụ cháy nhà xưởng ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì |
Sau khoảng 15 phút, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã khống chế và dập tắt đám cháy. Theo ghi nhận ban đầu đám cháy xảy ra tại kho phụ kiện đồ gỗ nội thất của anh Triệu Văn L (SN 1984). Diện tích kho bị cháy khoảng 50m2, đám cháy cũng ảnh hưởng tới kho bên cạnh (diện tích cháy khoảng 10m2).
Liên quan tới vụ việc, chiều 26/4, trao đổi với PV về nghi vấn có người tử vong trong vụ cháy nêu trên, ông Nguyễn Văn Sung, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp cho biết: Trong quá trình khám nghiệm hiện trường vụ cháy, lực lượng chức năng phát hiện một vật thể đã than hóa, nghi là người. Hiện địa phương đang chờ kết luận từ cơ quan pháp y đối với vật thể trên, khi có kết quả sẽ thông tin tới các cơ quan báo chí.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tham gia chữa cháy tại số 116 Miếu Đầm, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội ngày 5/4/2024 |
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, từ ngày 15/3 đến ngày 14/4, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 89 vụ cháy (14 vụ cháy trung bình; 75 vụ cháy nhỏ). Các vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã làm thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 398 triệu đồng và đang tiếp tục thống kê. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng đã tiếp nhận 16 tin cứu nạn, cứu hộ, trong đó tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ 11 vụ và cứu được 4 người, tìm thấy 3 thi thể.
Cũng theo thống kê, số vụ cháy xảy ra trên địa bàn các quận nội thành chiếm tỷ lệ cao với 52 vụ (chiếm 58,43%) tổng số vụ cháy. Trong đó, loại hình nhà ở đơn lẻ chiếm tới 69,35% tổng số vụ cháy (43 vụ). Ngoài ra, loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh cũng chiếm tỷ lệ cao với 06 vụ (chiếm 9,68%); loại hình kho, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh khác: 4 vụ (chiếm 6,45%)… Trong tháng 4/2024, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động 82 lượt phương tiện, cùng 527 lượt cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường tổ chức chữa cháy.
Trong tổng số 89 vụ cháy trong tháng 4/2024 có 77 vụ cháy đã được điều tra, làm rõ nguyên nhân, theo đó nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện vẫn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy (70/77 vụ, chiếm 90,9% tổng số vụ cháy).
Tuyên truyền PCCC tại khu dân cư phường Văn Miếu, quận Đống Đa |
Cảnh giác với “bà hoả” những ngày nghỉ
Thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày liên tục từ 27/4 đến hết 1/5, đây cũng là khoảng thời gian nhiều gia đình tổ chức liên hoan gặp mặt… tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Để bảo đảm an toàn PCCC trong dịp nghỉ lễ, Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Tại nơi vui chơi giải trí, tập trung đông người phải có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung cho cả cơ sở, công trình và cho từng khu vực; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn tại nơi quy định; có giải pháp ngăn lửa và chống tụ khói cho lối thoát nạn. Không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn, ổ cắm...
Đối với các hộ gia đình, nhà ống, nhà liền kề: Không tồn chứa xăng, dầu, cồn, gas, hóa chất nguy hiểm và các chất dễ cháy, nổ khác trong nhà; trường hợp cần thiết phải sử dụng thì hạn chế tối đa số lượng và phải có các giải pháp, biện pháp bảo đảm an toàn PCCC.
Người dân không sắp xếp vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn; sân thượng, mái phải bố trí thông thoáng và có lối lên từ tầng dưới qua các thang cố định và cửa đi, không khóa cửa lối lên mái đồng thời cần bố trí lối có thể sang được mái của nhà bên cạnh. Thời gian nghỉ lễ khi đi xa phải kiểm tra hệ thống gas (nếu có), hệ thống thiết bị điện trước khi ra khỏi nhà...
Các bước xử lý khi phát hiện cháy |
Đối với cơ quan, doanh nghiệp: Thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC theo quy định trong quá trình sản xuất và khi nghỉ lễ, ngừng hoạt động, sản xuất và khi hoạt động trở lại nên vận hành từng công đoạn, tránh đồng loạt vận hành đóng điện sẽ gây quá tải, chạm chập gây cháy, nổ...
Đối với người dân và các hộ kinh doanh: Nên cẩn trọng trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện khi nấu nướng vui chơi. Khi đi chơi xa, ra khỏi nhà phải kiểm tra an toàn PCCC tại nhà và tắt hệ thống điện, giảm nguy cơ gây cháy do điện.
Các hộ gia đình thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn PCCC trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh: Không sạc điện thoại, xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện qua đêm, không thể giám sát...; nhắc nhở, cảnh giác đề phòng cháy nổ và tham gia các buổi tập huấn PCCC; trang bị sẵn bình chữa cháy, phương tiện thoát nạn...
Người dân khi đến những nơi tập trung đông người, cần thực hiện đầy đủ nội quy, quy định về PCCC, quan sát những nơi đặt bình chữa cháy, biển chỉ dẫn và sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.