Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm soát phát hành phim trên không gian mạng
Việt Nam phát hành sách "Guinness World Records 2022" cùng lúc với thế giới Phục Hưng Holdings dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu chào bán theo hình thức đấu giá |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, sáng 23/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Thảo luận về dự án Luật, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi Luật Điện ảnh nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn.
Các đại biểu nhấn mạnh quan điểm xây dựng luật là cần nhìn nhận điện ảnh dưới góc độ vừa là ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế; Đặt ngành công nghiệp điện ảnh trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác và trong môi trường công nghệ số.
Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại buổi thảo luận tổ việc phổ biến phim trên không gian mạng.
Theo đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), hiện nay có các hình thức phổ biến phim gồm phổ biến phim tại hệ thống rạp chiếu phim, phổ biến phim trên truyền hình và phổ biến phim trên không gian mạng. Trong đó, phổ biến phim trên không gian mạng đang có khoảng trống pháp lý. Vì vậy, dự thảo luật quy định việc phổ biến phim trên không gian mạng là rất cần thiết.
“Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án nhưng tôi ủng hộ phương án quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim”, đại biểu Khải nêu quan điểm.
Cũng theo đại biểu Khải, cơ quan quản lý cần xây dựng bộ tiêu chí hoàn chỉnh, chi tiết, để cá nhân, tổ chức tham gia cung cấp, phổ biến phim dựa vào đó phân loại phim. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm với tổ chức, cá nhân về việc này
Trong điều kiện hiện nay, với sự phát triển của các nền tảng trực tuyến, các phương thức phát hành phim rất đa dạng, nếu cơ quan quản lý tiến hành kiểm duyệt từng bộ phim trước khi phổ biến thì sẽ làm không xuể, bởi khối lượng phim trên không gian mạng là rất lớn.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu |
Trong khí đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) cho rằng, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại phim và chịu trách nhiệm trước pháp luật là chưa thật sự chặt chẽ.
Ông Hiếu đề nghị nên chăng cần kết hợp giữa tiền kiểm và hậu kiểm đối với hình thức phát hành phim trên không gian mạng. Bởi lẽ thực tế vừa qua đã có những bộ phim phát hành xuyên tạc lịch sử Việt Nam. Nếu không tiền kiểm và hậu kiểm, tác hại của việc lan truyền những bộ phim vi phạm pháp luật này là khá lớn.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, thực tế phim trên không gian mạng nhiều khó kiểm soát. Quy định nhà sản xuất tự phân loại, tự đánh giá, tự đưa các cảnh báo thì rất khó cho quản lý, mất công bằng khi các nhà sản xuất phim chiếu rạp phải xin phép.
Cùng với đó là vấn đề bản quyền, an ninh mạng, nên các nội dung này cần tạo hành lang pháp lý mở hơn với thế giới song cần cân nhắc để có sự kiểm soát của Nhà nước nhằm bảo đảm an toàn trên không gian mạng.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật Điện ảnh sửa đổi chỉ chú trọng đến khâu phát hành phim mà khâu sản xuất còn mờ nhạt, chưa rõ việc huy động nguồn lực xã hội về tài chính, trí tuệ để phát triển điện ảnh hiện đại hay không chưa thấy đề cập. Bởi điện ảnh phát triển sẽ tác động đến các ngành kinh tế khác, nên việc phát triển điện ảnh sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng, cần có tiêu chí cụ thể trong việc cấp phép phim, rõ ràng, minh bạch để các nhà sản xuất phim thực hiện.
Theo dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày trước Quốc hội: Tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.
Theo đó nhà phát hành, phổ biến phim thực hiện theo các quy định về nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh (Điều 10) và phân loại phim (Điều 33) để tự phân loại và hiển thị kết quả phân loại, cảnh báo cần thiết về nội dung phim cho người xem. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.
Đây được xem là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển không ngừng của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh, tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thẩm tra về dự thảo luật, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, đa số ý kiến thành viên ủy ban cho rằng, cần kết hợp việc tổ chức, cá nhân phổ biến phim tự phân loại phim với việc cấp phép phân loại, trong đó chủ yếu là các tổ chức, cá nhân tự phân loại phim; Nghiên cứu cấp phép phân loại đối với những cơ sở phổ biến phim có tầm ảnh hưởng lớn tới chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong điều kiện có thể cấp phép phân loại được...