Đại biểu Quốc hội lo lắng nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng tràn lan trên mạng
Rà soát, xem xét các hợp đồng quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng Quảng cáo thực phẩm chức năng OvaQ Plus gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh Cảnh báo 4 thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quảng cáo |
Chiều 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Cấm quảng cáo sai sự thật
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu thảo luận |
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) chia sẻ bức xúc liên quan tới vấn đề bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Hàng năm hầu như đều ghi nhận các vụ việc an toàn thực phẩm, quy mô lớn, hoang mang dư luận. Chưa kể các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
Thực tế, thực phẩm bẩn không đảm bảo chất lượng có thể không gây nguy hại ngay tới sức khỏe, chẳng khác nào mang tiền mua bệnh mà không biết phải đối mặt với nhiều tác hại, bệnh tật, thậm chí là nguyên nhân của ung thư.
Theo nữ đại biểu, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng: Tổ chức, cá nhân, sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, nguyên liệu thực phẩm kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng mà không cần minh chứng bằng hậu quả.
Nữ đại biểu đoàn Quảng Nam cũng chỉ ra, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại do còn một bộ phận người dân quan tâm mua hàng giá rẻ, người bán hàng “thổi phồng” công dụng của sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng.
Do đó, hàng xanh, sạch khó có thể cạnh tranh với hàng giả, nhái kém chất lượng. Nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp với sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch nhưng lại gặp nhiều khó khăn do sản phẩm luôn có giá thành cao. Trong khi người dân chủ yếu quan tâm tới hàng rẻ, đẹp mà ít quan tâm tới chất lượng.
Đại biểu chỉ ra, để diễn biến tình trạng này, có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý, người kinh doanh sản xuất và người tiêu dùng khi còn quá dễ dãi với hàng giả, hàng nhái. “Vì vậy, dự thảo luật cần xem xét, quy định rõ trách nhiệm người tiêu dùng trong trường hợp xảy ra hậu quả mà người tiêu dùng có lỗi khi không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã được quy định tại khoản 1, Điều 16 của dự thảo Luật” - đại biểu đề xuất.
Một vấn đề khác được đại biểu Trinh nêu lên là trên môi trường mạng, các nền tảng quảng cáo, ứng dụng giải trí dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng như Facebook, Youtube, Tiktok… tình trạng quảng cáo thực phẩm tràn lan, đặc biệt là quảng cáo thuốc, dược phẩm với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng.
"Vừa qua, tình trạng nghệ sĩ Việt quảng cáo sai sự thật, được báo chí lên án nhưng chế tài chưa được xây dựng đầy đủ" - đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nhấn mạnh, đồng thời, đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung hành vi quảng cáo sai sự thật là hành vi cấm, các công ty, tổ chức, cá nhân quảng cáo đều phải chịu trách nhiệm về những thông tin quảng cáo của mình.
Khắc phục lỗ hổng pháp luật trong mua hàng qua mạng
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc phát biểu thảo luận |
Quan tâm tới xu hướng phát triển của việc mua, bán hàng qua hình thức thương mại điện tử hiện nay, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng những quy định bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng chưa cụ thể.
Nhằm khắc phục khoảng trống trong pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mua hàng qua mạng, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần rà soát và điều chỉnh thống nhất các quy định về bảo vệ quyền, quyền lợi của người tiêu dùng trên không gian mạng với các luật liên quan.
“Từ thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi tiêu dùng cho thấy, các chế tài hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa đủ những chế tài đủ sức rang đe. Đề nghị bổ sung quy định tại Chương 5 về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đầy đủ và bao quát hơn”- đại biểu nêu quan điểm.
Chung mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn tỉnh Đắk Nông) đề nghị rà soát quy định về giao dịch trên không gian mạng, bổ sung đầy đủ nội dung về giao dịch từ xa để đảm bảo tính bao quát, đồng thời cần lưu ý đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Giao dịch điện tử đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Đối với vấn đề bảo vệ thông tin người tiêu dùng, đại biểu cho rằng việc thu thập thông tin ban đầu là chính sách cần thiết, tuy nhiên, có hiện tượng sử dụng thông tin của khách hàng mà không được cho phép, sử dụng cho các mục đích ngoài thỏa thuận, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các đại biểu cũng đề nghị rà soát một số quy định liên quan đến hợp đồng, đảm bảo thống nhất với Bộ Luật Dân sự hiện hành, nhất là quy định bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Việc này sẽ giúp đảm bảo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật.
Đồng thời, về giao kết hợp đồng trong giao dịch từ xa, các đại biểu đề nghị chỉnh lý lại nội dung này cho chặt chẽ hơn.
Người nổi tiếng ảnh hưởng tới nhận thức, hành vi của người tiêu dùng Trước đó, ngày 2/11, thảo luận tại tổ về dự thảo luật này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) nêu tình trạng người tiêu dùng mua phải hàng lỗi hay có vấn đề chất lượng, song lại ngại và không khiếu nại. Ông cho rằng, nhận thức về việc đi đòi quyền lợi của người tiêu dùng còn hạn chế, nên người tiêu dùng đã không thực hiện những quyền mà pháp luật cho phép. Cũng có thể do cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quá phức tạp, không tạo thuận lợi trong việc đi đòi quyền lợi, dẫn tới người tiêu dùng có tâm lý là công sức bỏ ra để đi đòi quyền lợi, khiếu nại không tương xứng với những quyền lợi mang lại. Cộng thêm chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe nên người tiêu dùng cảm thấy không thỏa mãn khi đi khiếu nại. "Chính nhận thức, cơ chế bảo vệ, xử lý làm gương chưa làm tốt, nên chỉ làm hại cho người tiêu dùng. Như trong lĩnh vực văn hóa, tôi thấy văn nghệ sĩ yếu đuối lắm, ai cũng bị bệnh cả, đi quảng cáo bán thuốc suốt ngày, đau lưng, đau gối, đau đầu, cả yếu sinh lý nữa. Thực ra đó là câu chuyện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì họ là nhân vật nổi tiếng, ảnh hưởng, chi phối nhận thức hành vi của người tiêu dùng, nên cần phải chấn chỉnh" - đại biểu Sơn nêu vấn đề. |