Đại lộ Thăng Long (Hà Nội): Điểm nóng về đổ trộm phế thải
Tái diễn nạn đổ trộm đất, phế thải xây dựng tại quận Hà Đông Nạn đổ trộm phế thải vẫn tái diễn |
Xe môi trường đổ trộm phế thải ra môi trường
Đại lộ Thăng Long có điểm đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng (Km1+800) đi qua địa bàn các huyện Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất đến ngã tư giao với quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh (Km31+064, nút giao Hòa Lạc).
Đại lộ Thăng Long thường xuyên trở thành nơi đổ trộm phế thải |
Trên dọc tuyến đường gom của đại lộ Thăng Long còn một số khu đất trống, dự án chưa triển khai, khu vực vắng người thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm, huyện Hoài Đức. Hiện tại, trên tuyến chưa lắp đặt hệ thống camera giám sát về trật tự an toàn giao thông.
Vì vậy, khi vắng bóng lực lượng chức năng, các tổ chức, cá nhân vẫn cố ý đổ trộm phế thải, rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, một số phương tiện chở vật liệu xây dựng, xe chở nguyên vật liệu không che chắn, tụt ben, công trình thi công không có biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường gây mất trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên đường gom của đại lộ Thăng Long.
Mới đây nhất, vào đêm và rạng sáng ngày 11/9, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành mật phục và bắt giữ 2 trường hợp đổ trộm phân bùn bể phốt trên đại lộ Thăng Long.
Phế thải đổ thẳng xuống đại lộ Thăng Long |
Trong đó, vị trí lực lượng chức năng mật phục và phát hiện vi phạm là khu vực cầu Đào Nguyên và khu vực gần trạm trộn bê tông An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Một trong 2 chiếc xe vi phạm có BKS 29H - 110.00 dán chữ “Vì môi trường xanh sạch đẹp” (chiếc xe trên được đăng ký bởi Công ty TNHH MTV Xây dựng Môi trường Đô thị số 1 Hà Nội; Địa chỉ: Hữu Cước, Liên Hồng, Đan Phượng) và một chiếc xe có ghi thông tin chủ sở hữu là Công ty TNHH Môi trường Thanh Oai.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng đổ trộm phân bùn bể phốt trên đại lộ Thăng Long đã tồn tại trong suốt một thời gian dài. Trước thực trạng trên, cuối tháng 7/2020, UBND huyện Hoài Đức đã giao Công an huyện chỉ đạo lực lượng thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp đổ chất thải ven đại lộ Thăng Long; Đồng thời, yêu cầu các xã An Khánh, Song Phương, Vân Côn có trách nhiệm bố trí các điểm tập kết rác thải, chất thải rắn, tuyên truyền đến người dân phải đổ rác đúng nơi quy định...
Chiếc xe đổ trộm phế thải xuống đại lộ Thăng Long bị lực lượng chức năng bắt giữ |
UBND huyện Hoài Đức cũng giao UBND xã Song Phương phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện thu gom, xử lý khối lượng bùn thải bể phốt bị đổ trộm theo quy định, xong trước ngày 2/8/2020.
Xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm
Từ đầu năm 2020 đến nay, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 221 trường hợp, phạt tiền 1.079.700.000 đồng, tạm giữ 5 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 22 trường hợp trên tuyến đường gom của đại lộ Thăng Long.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên đại lộ Thăng Long, hạn chế tình trạng đổ phế thải không đúng nơi quy định, Thanh tra Sở phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình để đưa tin, bài về hoạt động kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng và tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ GTVT, Quyết định của UBND thành phố quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Góp phần tích cực làm chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân Thủ đô.
Cùng với đó, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự, Cảnh sát Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp: Xe chở hàng quá khổ, quá tải trọng; Xe chở vật liệu, đất thải để rơi vãi gây mất an toàn giao thông, mất vệ sinh môi trường giao thông; Đổ phế thải, rác thải không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố.
Theo quy định tại Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường không đến điểm tập kết, trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.
Hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; Không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, chế tài nói trên chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, Điều 20 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP cũng chưa nêu rõ cụ thể chất thải rắn công nghiệp gồm những loại nào khiến lực lượng chức năng khó xử lý trong nhiều trường hợp.