Tái diễn nạn đổ trộm đất, phế thải xây dựng tại quận Hà Đông
Khảo sát của phóng viên tại một số tuyến đường trên địa bàn phường Kiến Hưng cho thấy, tình trạng đất, phế thải xây dựng đổ tràn lan vẫn tiếp diễn, mặc dù chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn. Nơi vi phạm diễn ra nhiều nhất phải kể đến khu đất nông nghiệp giáp ranh 2 tổ dân phố 19 và 20 mới thành lập của phường. Cụ thể, tại tuyến đường chạy qua khu đất đấu giá Mậu Lương, hàng chục đống đất, phế thải xây dựng nối tiếp nhau thành dãy dài. Khu vực này dân cư thưa thớt, đường rộng, hai bên còn nhiều bãi đất trống nên thường xuyên bị các đối tượng lợi dụng đổ trộm...
Ông Nguyễn Văn Hòa - một người dân sống ở khu đất đấu giá Mậu Lương, cho biết: Hầu hết việc đổ trộm đất, phế thải diễn ra từ 21-22h đêm hôm trước đến 4-5h sáng hôm sau. Tài xế xe tải chở đất, phế thải đi với tốc độ rất nhanh, họ chỉ dừng lại trong chốc lát, đổ ào xuống rồi tăng ga đi ngay nên khi phát hiện, muốn báo tổ dân phố, chính quyền địa phương đến xử lý cũng không kịp…
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Bằng, Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng thừa nhận, trên địa bàn hiện vẫn còn tình trạng đổ trộm đất, phế thải gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan. Nhằm hạn chế tình trạng đổ trộm đất, phế thải, từ năm 2016 đến nay, UBND phường đã triển khai nhiều giải pháp như thành lập tổ công tác thường xuyên kiểm tra, xử lý việc đổ đất, phế thải trên địa bàn; đặt trụ bê tông, chăng hàng rào dây thép gai dọc một số tuyến đường nhằm hạn chế xe trọng tải lớn đi vào; cắm biển cấm đổ đất, phế thải… Tuy nhiên, xử lý dứt điểm vấn nạn này là rất khó, bởi các đối tượng chủ yếu đổ trộm vào ban đêm, hành vi diễn ra rất nhanh...
Không chỉ riêng phường Kiến Hưng, dọc các tuyến đường như Lê Trọng Tấn kéo dài chạy qua địa phận 3 phường Phú La, Kiến Hưng, Phú Lương; tuyến đường nối từ trung tâm hành chính quận Hà Đông qua Khu đô thị Văn Phú đến đường Lê Trọng Tấn; tuyến đường giáp với dự án Công viên cây xanh Hà Đông; các bãi đất trống thuộc địa bàn các phường Hà Cầu, Dương Nội, Phú Lương, Phú Lãm… đất, phế thải và rác thải bị đổ trộm rất nhiều, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Trước thực trạng nêu trên, từ năm 2016 đến nay, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo Công an quận, cơ quan chức năng phối hợp với UBND các phường tăng cường kiểm tra, mật phục, xử lý được trên 100 vụ chở đất, phế thải, vật liệu xây dựng không che chắn để rơi vãi và đổ không đúng nơi quy định, xử phạt hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, 100% lái xe phải khắc phục hậu quả và cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, do các tuyến đường mới mở trên địa bàn rộng, người dân ít qua lại vào ban đêm, các đối tượng đổ trộm đất, phế thải cắt cử người “cảnh giới”, khi phát hiện có lực lượng chức năng mật phục là “án binh bất động”, gây khó khăn cho việc xử lý.
Để giải quyết dứt điểm nạn đổ trộm đất, phế thải xây dựng trên địa bàn quận Hà Đông, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự giám sát, tố giác của chính người dân.